Đây là thông tin được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) cho biết tại Sự kiện kết nối kinh doanh lĩnh vực thuỷ hải sản Nhật Bản tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức chiều ngày 14/3.
Hợp tác nhằm phát huy thế mạnh về chế biến thuỷ hải sản Việt Nam
Ông Toru Yoshimatsu - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản - cho biết, trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, thuỷ hải sản là một mảnh ghép không thể thiếu.
Trong số các sản phẩm thuỷ, hải sản, sò điệp, cá cam và cá tráp đỏ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản hiện đang triển khai các hoạt động nhằm quảng bá sự hấp dẫn của thủy, hải sản Nhật Bản ở trong và ngoài nước, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ về việc chọn Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản, ông Toru Yoshimatsu cho biết Việt Nam có thế mạnh về chế biến thuỷ hải sản với nhiều nhà máy có công suất lớn, đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi hầu hết thị trường trên thế giới. Vì vậy các doanh nghiệp thuỷ sản Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác, đặt hàng gia công sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường khác.
Ông Toru Yoshimatsu cũng cho biết: Nhật Bản có những đặc thù địa lý để chuyên canh nuôi trồng thủy hải sản đặc sản, điển hình như sò điệp, cá tráp đỏ, cá cam... với trữ lượng lớn và nguồn cung cấp ổn định, liên tục.
"Chúng tôi cũng làm chủ công nghệ về đánh bắt, sơ chế, cấp đông để đảm bảo độ tươi ngon tuyệt đối của thực phẩm khi được vận chuyển trong điều kiện phù hợp, đảm bảo vệ sinh thực phẩm đến các quốc gia như Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc giữ nguyên các nguyên liệu thủy hải sản không qua chế biến và nấu nướng kỹ là một cách giữ sự tươi ngon của các loại thủy đặc sản này.
Đặc biệt, đối với Việt Nam, quốc gia có nền ẩm thực đặc sắc và sẵn sàng đón nhận các món ăn, thực phẩm, đặc sản từ các nền văn hóa khác, đây sẽ là nhịp cầu tốt đẹp để đóng góp cho sự đa dạng hơn của ẩm thực và khẩu vị người Việt.
Về triển vọng xa hơn, với trữ lượng lớn, khả năng cung cấp ổn định, cộng hưởng cùng tài năng gia công chế biến và điều kiện phân phối xuất khẩu của Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia công, nhập khẩu thủy hải sản Nhật Bản và phân phối đi khắp thế giới, qua đó mang lại giá trị tốt đẹp, hiệu quả cho cả hai bên", ông Toru Yoshimatsu Toru cho biết thêm.
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản
Được biết, trong quan hệ đối tác thương mại xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam - Nhật Bản, năm 2023, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng giảm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản so với năm 2022, trừ Hoa Kỳ, Indonesia và Hàn Quốc.
Theo đó, mặc dù Việt Nam giữ vững vị trí là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản, nhưng là thị trường có mức giảm về lượng lớn thứ 2 sau Nga, giảm 13,2% so với năm 2022, đạt 132 nghìn tấn.
Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm từ 7,8% năm 2022 xuống còn 7,1% trong năm 2023.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương Việt Nam, trong năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường giảm, đạt 56,96 nghìn tấn, trị giá 513,2 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và giảm 22,7% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đã có tín hiệu phục hồi khi tăng nhẹ trong tháng 12/2023.
Tại thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được khả năng cạnh tranh mặc dù thị trường Nhật Bản có tiêu chuẩn cao cả về chất lượng lẫn hình thức sản phẩm.
Qua 2 tháng đầu năm 2024, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường đạt 1,31 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tôm vẫn là mặt hàng chủ lực với xấp xỉ kim ngạch xấp xỉ 500 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu dẫn đầu vẫn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, và Australia.
Sự kiện giới thiệu thuỷ sản, đặc biệt là sò điệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam là một trong những hoạt động quảng bá sự hấp dẫn của thuỷ, hải sản Nhật Bản; hướng tới đối tượng là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán lẻ, đầu bếp và các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam, từ đó, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại thuỷ hải sản và hợp tác phát triển chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Nhật Bản./.