Nhập lậu động vật đẩy người chăn nuôi vào thua lỗ và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi

Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm thời gian quan là một trong những tác nhân khiến giá lợn và gia cầm giảm mạnh đẩy người chăn nuôi vào thua lỗ. Tình trạng nhập lậu động vật còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho vật nuôi trong nước. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của động vật nhập lậu.
nhap-lau-dong-vat-02-1706687297.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngăn chặn vận chuyển trái phép động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của động vật nhập lậu

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do nhập lậu vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, lợn và các sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Đến nay, tình trạng nhập lậu có nhiều chuyển biến tích cực; dịch bệnh động vật nói chung và dịch tả lợn Châu Phi nói riêng cơ bản được kiểm soát, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.

nhap-lau-dong-vat-01-1706687334.jpg
Lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý buôn lậu gia cầm giống từ Trung Quốc vào Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Để ngăn chặn triệt để, chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm chi phí, hạ giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng vừa có Chỉ thị số 29/CT-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu tổ chức tuyên truyền cho nhân dân nhất là người dân ở khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu, nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mất an toàn thực phẩm do vận chuyển trái phép, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng cường chống buôn lậu động vật trong dịp tết

Chủ tịch UBND các tỉnh cũng được yêu cầu tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vacxin.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phối hợp với các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

nhap-lau-dong-vat-03-1706687280.jpg
Một vụ bắt giữ xe tải vận chuyển lợn trái phép ở Bạc Liêu. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bộ Công thương cũng được Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường; có giải pháp kiểm soát, giảm thiểu chi phí trung gian, tăng lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi...

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn kịp thời và hiệu quả tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, buôn bán gia cầm, lợn và các sản phẩm động vật nhập lậu. Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần duy trì tốc độ của ngành chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu./.

Bình Châu