Cơ hội tăng tốc xuất khẩu khi kinh tế EU hồi phục
Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), đã có một số điểm sáng đáng kể ở thị trường EU, đặc biệt là Bỉ - cho dự báo khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ gia tăng trong năm 2024 vào các thị trường này. Hiện nay lạm phát đã giảm rất nhiều, thu nhập của người dân đã tăng mạnh trở lại. Đồng thời với đó là giá năng lượng đã dần ổn định, chuỗi cung ứng cũng dần được khôi phục.
Các chuyên gia kinh tế của khu vực này cũng như trên thế giới dự báo kinh tế của Liên minh châu Âu trong năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng nhẹ (khoảng gần 1% trong năm 2024 và tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 1,5% vào năm 2025). Điều này cũng đồng nghĩa, tăng trưởng thương mại của EU sẽ có sự khôi phục tăng trưởng khoảng 1,7% đối với chiều nhập khẩu vào EU và khoảng 1,1% đối với chiều xuất khẩu từ EU đi các nước khác - thay vì giảm hơn 15% trong hoạt động thương mại quốc tế của khối này trong năm 2023.
Mặc dù đã nhìn thấy những triển vọng lạc quan sau hơn 2 năm rất khó khăn tại thị trường Liên minh châu Âu, song do người dân vẫn chưa mạnh dạn mua sắm nên cạnh tranh về giá trong năm 2024 được coi là một trong những ưu tiên tại thị trường này mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần quan tâm, chú trọng.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Ngoài những yếu tố về giá thì các quy định về nhập khẩu trong năm 2024 sẽ được thực hiện rất nhiều, chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và những vấn đề phát triển xanh và sạch. Cụ thể là các cơ chế cân bằng cacbon được áp dụng có liên quan trực tiếp đối với mặt hàng xuất khẩu như thép, xi măng, phân bón bắt đầu được áp dụng từ tháng 6/2024. Theo đó, các doanh nghiệp liên quan phải khai báo các bảng kê khai liên quan của EU tương đối phức tạp và cần có thời gian nghiên cứu rất nhiều”.
Theo các chuyên gia, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các lợi thế của hàng hoá Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU.
Với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ngay cả trong trước mắt cũng sẽ không chỉ tác động trực tiếp tới 6 lĩnh vực công nghiệp thải ra nhiều các bon bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro (theo quy định sẽ phải nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31/1/2024) mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới được EU áp dụng trong thời gian tới, như “thỏa thuận xanh” của EU gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.
Trong khuôn khổ thoả thuận xanh, tháng 6/2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR), có hiệu lực từ cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Cũng theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), năm 2024, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã bước vào năm thứ tư thực thi. Việc cắt giảm thuế đã tạo ra cơ hội khác biệt lớn tại thị trường châu Âu giữa Việt Nam và đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước châu Á đang rất mong có hiệp định thương mại tự do với EU.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định EVFTA. Theo đó, cần tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ, nhanh chóng xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này.
Tiếp tục giữ vị thế xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Đối với thị trường Hoa Kỳ - đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, theo dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ đạt từ 1,7-2% trong năm 2024 - là tín hiệu hết sức tích cực, cho thấy nền kinh tế của Hoa Kỳ đang trong đà hồi phục, tạo cơ hội khôi phục tăng trưởng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới, như mặt hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, thủy sản…
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng. Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực.
Lạc quan về thị trường Mỹ năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng, thị trường Mỹ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 53,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng tồn kho tại Mỹ giảm dần, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng sản phẩm gỗ vào thị trường này trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại Việt Nam, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, do Việt Nam là nước xuất siêu đứng thứ 3 sang thị trường Hoa Kỳ (chỉ sau Trung Quốc và Mexico) nên việc tìm cách giảm nhập khẩu để bảo vệ các ngành hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cũng sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
“Tăng cường mối liên hệ qua các nền tảng trực tuyến để phát huy vai trò của Thương vụ tại địa bàn, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, nhất là các vụ việc rà soát đối với các mặt hàng mật ong cũng như là rà soát đối với việc áp thuế đối với mặt hàng cá phi lê đông lạnh. Sắp tới sẽ tiến hành vụ việc khởi kiện đối với các mặt hàng bia giấy xuất khẩu của Việt Nam - cho thấy tín hiệu rằng mặc dù thị trường Mỹ là thị trường rất lớn nhưng hiện nay sự quan tâm đối với các ngành hàng xuất khẩu cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đang ngày càng cao, kể cả những mặt hàng ở thị trường ngách cũng như là kim ngạch xuất khẩu không cao” - ông Đỗ Ngọc Hưng nói.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ và nhiều thị trường đang dần được khắc phục. Đây là những thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Để tận dụng cơ hội và phát triển xuất khẩu bền vững tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động về xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu./.