Nhà báo, nhà văn hóa Hữu Ngọc - người giăng kết toàn cầu những sợi tơ văn hóa (Phần V)

Tạo ra những nét riêng trong phong cách sáng tạo - đó là đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp làm nhà giáo, nhà báo của Hữu Ngọc.
huu-ngoc-vhsg-1655686228.jpg
Ngoài 100 tuổi Hữu Ngọc vẫn cần mẫn chắt lọc và giăng kết những sợi tơ văn hóa

Những dấu ấn riêng của Hữu Ngọc luôn xuất hiện trong từng bài viết. Điều dễ nhận thấy là bài viết của ông luôn chứa đựng lượng kiến thức lớn, cách diễn giải dễ hiểu, dẫn chứng khoa học, khiến cho độc giả tiếp thu dễ dàng. Có tới 90% tác phẩm của ông sử dụng ngôi thứ nhất “tôi”.

Mỗi khi xưng “tôi” trong tác phẩm, đó sẽ là câu chuyện kể về một sự kiện ông đã trải qua, liên hệ đến chủ đề bài biết, hoặc là nguyên nhân của việc viết bài này. Cách đưa “tôi” vào tác phẩm chỉ để kể chuyện, khiến cho câu chuyện tăng thêm nét chân thực mà không hề mất đi tính khách quan. Hơn nữa, cách viết này rất phù hợp với tâm lý người Việt Nam, khiến độc giả có cảm giác đang được nói chuyện với tác giả, đang được chia sẻ một câu chuyện tâm tình hoặc một vài suy nghĩ, làm tăng thêm sức hấp dẫn của bài viết.

Những khi tác giả không dùng đại từ ngôi thứ nhất, nhưng chỉ với một câu kết “trách nhiệm của chúng ta lớn lắm” cũng đủ để độc giả giật mình nghe lời nhắc nhở, và nhận ra một Hữu Ngọc đang suy tư lo lắng cho lớp trẻ Việt Nam, cho người Việt Nam.

Nội dung được trình bày như một câu chuyện, một lời tâm tình, nên nhịp điệu bài viết của ông từ tốn, ung dung, thư thái, tạo cho người đọc cảm giác an tâm, tin tưởng. Trình bày dưới dạng câu chuyện đậm chất văn hóa mà đầy tính khoa học cũng là một nét phong cách viết báo độc đáo của ông.

Nghiên cứu văn hóa, chắt lọc tinh hoa, bản sắc của các dân tộc, nên ông luôn nhìn thấy phần đẹp đẽ, hướng thiện của con người. Hiểu biết nhiều nền văn hóa, tiếp xúc với nhiều con người, nên ông có cái nhìn con người và sự việc vô cùng linh hoạt.

Ông nhìn nhận con người dựa trên nền tảng văn hóa của họ và ông quan niệm bản sắc văn hóa dân tộc là cái động, luôn vận động và phát triển. Một nền văn hóa chỉ giữ nguyên những giá trị cũ là nền văn hóa khô chết - đây là quan điểm rất biện chứng của ông khi nghiên cứu văn hoá. Chính vì thế ông luôn muốn đem cái đẹp, cái tinh hoa của từng nền văn hóa đến cho mọi người ở nền văn hóa khác để học hỏi và tiếp nhận cái hay, cái ưu việt của nhau, loại dần những gì không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Yêu văn hóa, cũng chính là yêu thương con người. Đó là tình yêu thương đồng loại ẩn sâu trong lòng, từ đó nhận ra chính văn hóa sẽ giảm bớt thương đau, xoá đi đố kỵ, hiềm thù, mặc cảm, làm con người xích lại gần nhau hơn kể cả những người từng đứng trên hai chiến tuyến.

Những bức thư cựu tù binh được ông cảm hoá, thuyết phục gửi cho ông đã cho thấy rõ điều đó - yêu thương con người, ông mới yêu văn hóa và luôn mong muốn phát triển đời sống tinh thần lành mạnh của con người, giúp cho họ hiểu biết lẫn nhau để độ lượng và quan tâm đến nhau hơn.

Cả đời làm báo về văn hóa, Hữu Ngọc luôn thể hiện tư tưởng chính trị: làm báo để phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Luôn trung thành với tuyền thống văn hoá dân tộc, trong suốt cuộc đời làm báo của mình ông kiên định chủ trương đấu tranh và xây dựng cho dân tộc bằng việc giao lưu và bảo tồn nền văn hóa truyền thống.

Đọc các bài viết có khi chỉ vài trăm chữ hay các cuốn sách hàng ngàn trang của ông, ta luôn thấy toát lên nét lạc quan với phong thái ung dung nhẹ nhàng của bậc trí giả và qua từng câu, từng chữ luôn đem lại cho người đọc một niềm tin tưởng vào tình yêu thương con người, niềm tin tưởng vào cuộc sống.

Với những đóng góp bền bỉ, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được trao tặng nhiều huân chương, giải thưởng danh giá: 2 Huân chương Độc lập; Huân chương Chiến công; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp); Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển); Giải Mot dor (Pháp); Giải Vàng Sách Việt Nam 2006; Giải Đồng Sách Việt Nam 2015; Giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam 2017; Giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam; Giải Nhất toàn quốc 2015 về Thông tin Đối ngoại; Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017. Năm 2007, vượt qua nhiều tên tuổi khác, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được nhận Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.

Năm 2008, tại lễ trao giải GADIF (Giải của các đại sứ thuộc tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp) cho ông Hữu Ngọc, Đại sứ Hy Lạp đã nhấn mạnh: “Ông là một trong những học giả được biết đến là người xây cầu nối văn hóa Việt Nam và thế giới”. Đây là những phần thưởng xứng đáng dành cho tâm huyết và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của ông cho sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam./.

Nguyễn Văn Tông