Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2/2023 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Như vậy, khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 đạt 789 nghìn tấn với giá trị 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2023 với 34,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2023 đạt 129,3 nghìn tấn và 64,55 triệu USD, giảm 44,7% về khối lượng và giảm 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 1/2023, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Đài Loan (Trung Quốc) tăng 54,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Ghana giảm 86,2%.
Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.
Giá gạo trong nước tăng
Về thị trường trong nước tháng 2/2023, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện các giống lúa chất lượng cao như OM, Đài Thơm, Tài Nguyên, Nàng Thơm, Jasmin, Lộc Trời 28, ST24, ST25… được bà con trồng phổ biến, chiếm tới khoảng 80% diện tích gieo sạ. Giá lúa chất lượng cao (tương đương tỷ lệ 5% tấm sau khi xay xát, xuất khẩu) tăng từ 600 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Hiện nay, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Kiên Giang đã thu hoạch 30.000/281.000ha, An Giang 35.000/245.000ha, Hậu Giang 10.000/75.000ha, TP Cần Thơ 8.000/72.000ha, Cà Mau 22.000/110.000ha… Giá thuê máy gặt liên hợp dao động từ 300.000-320.000 đồng/ha, cuộn rơm khoảng 40.000 đồng/ha (rơm cuộn được chở đi bán để trồng nấm hoặc làm thức ăn gia súc).
Theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh ĐBSCL chiếm 54% diện tích, 55% sản lượng và khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Việt Nam có diện tích gieo trồng lúa đứng thứ 6 trên thế giới (khoảng 7,2 triệu ha), đứng thứ 5 về sản lượng, năng suất cao nhất trong khu vực ASEAN và trong tốp đầu của thế giới.