Ngành sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm đầu tại khu vực Đông Nam Á, nằm trong top 10 trên thế giới với công nghệ tương đối hiện đại, bắt nhịp được với tình hình chung của thế giới, đem lại giá trị cao nhất trong ngành sản xuất gốm sứ tại nước ta. Khi các nhà máy sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam chuyển sang trang trí bằng phương pháp in kỹ thuật số thì chất lượng và tính thẩm mỹ càng được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, mực in của phương pháp này được nhập từ nước ngoài (Trung Quốc hoặc Châu Âu) với giá thành tương đối cao, lệ thuộc nhiều (chủng loại màu sắc, sự tương thích giữa mực và máy) vào nhà cung cấp, gây không ít khó khăn cho quá trình sản xuất. Để giải quyết bất cập này, KS. Nguyễn Đức Thuận cùng các cộng sự của Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất mực in sử dụng cho máy in kỹ thuật số trong công nghiệp sản xuất gạch ốp lát” và đạt được nhiều kết quả khả thi.
Chia sẻ về đề tài, KS. Nguyễn Đức Thuận – Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Bắt tay thực hiện dự án, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu là xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất mực in sử dụng cho máy in kỹ thuật số ứng dụng trong công nghiệp sản xuất gạch ốp lát”.
Để thực hiện được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu tổng quan về phương pháp in kỹ thuật số cho gạch ốp lát và các tính chất của mực in kỹ thuật số, từ đó tìm hiểu về công nghệ gia công chất màu cho mực in kỹ thuật số và đưa ra lượng dung môi, chất phụ gia với tỷ lệ phù hợp. Từ những kết quả nghiên cứu, nhóm tiếp tục bài phối liệu chế tạo mực in cho máy in kỹ thuật số màu xanh dương (blue), đồng thời chế thử 20kg mực theo quy trình công nghệ và đạt yêu cầu chất lượng theo thuyết minh đề tài.
Mẫu mực đề tài sau khi chế thử thành công được đem đi thử nghiệm tại dây chuyền sản xuất gạch lát của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Anh (xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Mẫu mực đề tài và mẫu mực đối chứng là mẫu mực đang được chạy sản xuất tại công ty được đem đi thử trên mẫu gạch ốp, nung trong lò thanh lăn đang sản xuất tại nhà máy với chu kỳ nung là 39 phút dưới nhiệt độ nung tối đa 1130/1130°C.
Ks. Nguyễn Đức Thuận cho biết: “Mẫu mực của đề tài được đánh giá là có độ phát màu, độ sắc nét và độ bóng tương đương với mẫu mực đang chạy thực tế tại nhà máy. Độ mịn của mẫu mực được đánh giá tốt tương đương mẫu mực đang sử dụng, kiểm tra tại nhà máy trên sàng 63 µm (325 mesh) có sót sàng bằng 0.”
Sau khi bài phối liệu và chế thử thành công, nhóm đã tính toán chi phí cho một tấn phối liệu để tạo được 820 kg mực (tỷ lệ hao hụt 18%). Kết quả cho thấy, đơn giá để sản xuất 1kg mực là 202.907 đồng, trong khi đó giá mực in kỹ thuật số trên thị trường cùng thời điểm nghiên cứu rơi vào khoảng 220.000 đồng/kg. Như vậy, mực in kỹ thuật số do đề tài chế tạo có giá thành rẻ hơn so với giá bán trên thị trường.
Bên cạnh đó, các nguyên liệu được sử dụng trong đề tài như bột màu gốm sứ xanh dương, dung môi gốc alcohol, phụ gia, chất bảo quản... đều có độ sạch tốt, không nằm trong danh sách các chất độc hại, không bị phân hủy ở nhiệt độ thường và đã được kiểm chứng bằng việc sử dụng lâu dài tại các nhà máy sản xuất gốm sứ và thủy tinh trong nước. Quá trình nghiền và in mực cũng không gây bay bụi mịn ra môi trường. Đặc biệt, nguồn nước trong quá trình nghiền được tuần hoàn liên tục và tái sử dụng cho lần sau. Toàn bộ quá trình không phát sinh rác thải rắn ra môi trường. Đối với các sản phẩm lỗi, không đạt yêu cầu chất lượng có thể tái sử dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất mực in sử dụng cho máy in kỹ thuật số trong công nghiệp sản xuất gạch ốp lát” nếu được áp dụng triển khai vào thực tiễn sẽ góp phần giải quyết bài toán lớn về kinh tế và môi trường trong sản xuất mực in sử dụng cho máy in kỹ thuật số hiện nay.