Nỗi khổ của người dân
Phóng viên chúng tôi đã đưa tin trong số báo điện tử ngày 09/12/2021 về việc “ô nhiễm môi trường tại xã Trường Lâm - TX Nghi Sơn, Thanh Hóa”. Được biết Công ty TNHH XDGTTL Giang Sơn do ông Mai Văn Sơn làm Giám đốc điều hành, hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, Công ty được cấp phép khai thác đá tại khu vực thôn 8, xã Tân Trường, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Tuy nhiên, với hoạt động khai thác rầm rộ của mình, Công ty Giang Sơn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân thôn 8: “mỗi lần nổ mìn phá đá tạo ra tiếng nổ rất lớn, rung chuyển nền đất vật dụng trong nhà và thậm chí đe dọa tính mạng người dân”. Sau hơn 10 năm oằn mình sống chung trong hàng loạt vấn đề trên, người dân chân chất lúc này đã vượt qua giới hạn chịu đựng, và đồng loạt đứng lên phản đối.
Người dân xung quanh uất nghẹn chia sẻ với Phóng Viên: “Tôi dành dụm cả đời để có chỗ ăn chỗ ở, chưa được 2 năm thì gạch, tường nhà đã nứt gãy” - anh T.X. Trình cho biết. “Bát canh mang ra bụi đã bay vào vẫn phải ăn, ngày đi làm đêm không thể ngủ vì tiếng xay đá quá lớn”
Cụ bà Phạm Thị Xanh năm nay ngoài 60 tuổi lo sợ nói: “Tôi tuổi cao, giờ sống trong nhà mà không biết nó sập lúc nào, bất an lắm” - “Cứ đúng lúc các anh cán bộ xuống kiểm tra là tiếng mìn nổ nhỏ, còn thường ngày tiếng nổ rất to, nên dân cũng bất lực”. Hình ảnh người dân bao quanh Phóng viên để giãi bày, cảm giác mọi nỗi xót xa bấy lâu nay người dân phải chịu đựng và mất mát là vô cùng lớn.
Theo phản ánh của người dân, Công ty Giang Sơn thực hiện việc xay đá từ khoảng 19h đến 5h sáng,thời gian đánh mìn vào lúc 11h trưa, nhưng vẫn có những lần xuất hiện tiếng mìn nổ vào sáng sớm giữa chiều một cách tuỳ tiện, không có kế hoạch, thông báo cụ thể. Mặc dù việc khai thác khoáng sản buộc phải có nổ mìn, tuy nhiên, việc nổ mìn với tần suất cao, độ rung cực lớn thì tự hỏi Công ty Giang Sơn đã và đang thực hiện đúng quy định pháp luật hay không? Hơn nữa, những thiệt hại về mặt vật chất và cả về tinh thần là vậy, nhưng người dân nơi đây bao năm không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào từ phía Công ty Giang Sơn.
Có phải chính quyền đang “bảo vệ” doanh nghiệp
Được biết, người dân đã kêu cứu, làm đơn đến UBND xã Tân Trường rất nhiều lần, UBND xã Tân Trường tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân, nhưng rồi tất cả cũng dừng ở đó, người dân không có câu trả lời, những lá đơn sau này cứ thể mà “bặt vô âm tín”. Phải chăng, tiếng nổ mìn to quá, lất át cả tiếng kêu cứu của nhân dân?
Quá uất ức vì đang sống trong cảnh hoà bình, nhưng ngày ngày vẫn nghe tiếng nổ mìn, cảnh tượng nứt nhà, ô nhiễm môi trường tiếp diễn. Ngày 11/12/2021, nhân dân bất lực đứng trước cổng công ty Giang Sơn đòi lại quyền lợi, được Công ty hẹn gặp người dân vào ngày mai, nhưng đến nay vẫn là “lời nói suông”. Lúc này, anh Đỗ Viết Điệp đã liên hệ trưởng thôn 8 - ông Lê Vinh Tám, tuy nhiên, ông Tám trả lời: “cứ làm đi, làm đúng là được”.
Thay vì hướng dẫn, lắng nghe dân, ông Tám lại có lời nói mang tính phó mặc cho người dân tự đứng lên, tự giải quyết. Vậy, ông Tám đã thực hiện đúng tư cách là thôn trưởng, đã làm đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình hay chưa? Giá như công ty Giang Sơn, cán bộ thôn, xã “cứ làm đúng là được” như lời ông Tám nói thì dân đã không thống khổ kêu cứu.
Về phía ông Nguyễn Anh Hùng chủ tịch UBND xã Tân Trường, khi người dân gọi điện, nhắn tin, làm đơn, ông Hùng luôn trong tình trạng đang bận, hoặc không nghe máy. Trao đổi với PV, ông Tám cho biết “không trả lời người dân thôn mình được vì UBND xã chưa có văn bản trả lời”, ông Hùng thì đang bận giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng... Có thể thấy, dù tiếng kêu cứu của nhân dân đã thấu cả trời xanh, vậy mà cán bộ nơi đây xem dân đen như người vô hình.
Những hình ảnh xe chạy quá khổ quá tải, không che chắn làm đá rơi vãi khắp đường đã không còn xa lạ trên các tuyến đường khai thác khoáng sản. Nhưng điều kỳ lạ là, các doanh nghiệp này hoạt động một cách “hiên ngang”, rõ ràng nhưng những hành vi vi phạm an toàn tham gia giao thông này, lại có vẻ như rất khó nhận ra đối với lực lượng công an giao thông thị xã Nghi Sơn, khi mỗi ngày có hàng chục chiếc xe di chuyển trên tuyến đường một cách ngang nhiên, ồ ạt.
Chúng ta may mắn khi có ngôi nhà để về, là bến đỗ an toàn và ấm áp, bình yên. Nhưng với người dân thôn 8 xã Tân Trường lại không phải như vậy, sống dưới mái nhà nhưng mang cảm giác sợ hãi, buồn lo cho sức khoẻ và tính mạng của bao thế hệ. Chúng ta không, và sẽ không bao giờ có thể phát triển toàn diện khi mà hoạt động khai thác, xây dựng không đi đôi với bảo vệ, cải tạo môi trường, chăm lo đời sống nhân dân.
Một lần nữa, kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cá nhân đang coi thường pháp luật, coi thường sự an toàn, tính mạng của người dân nơi đây. Trả lại cho người dân quyền được sống, được bảo vệ... Đừng để nhân dân mất niềm tin vào chính quyền địa phương, đừng để vị cứu tinh duy nhất của người dân nơi đây, lại là những cơn mưa của đất trời xua tan bụi bẩn.
Tạp chí doanh nghiệp & kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./.