Nghệ An xây dựng vườn chuẩn để nâng cao "chất” Nông thôn mới

Phong trào xây dựng “vườn chuẩn Nông thôn mới” không chỉ giúp nông dân thay đổi nhận thức, hình thành nếp lao động, sản xuất có khoa học, sử dụng quỹ đất sản xuất có hiệu quả cao mà còn góp phần nâng cao thu nhập hộ gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo cảnh quan Nông thôn mới (NTM) giàu đẹp, văn minh.

Lan tỏa phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay, Nghệ An đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ, thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn. Trong đó, phải kể đến các vườn chuẩn NTM.

a11-1685199371.jpg
Lễ trao giải cuộc thi "Vườn chuẩn NTM đẹp" Nghệ An năm 2022

Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 410/KH-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh về thực hiện xây dựng “ Vườn chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2018-2020”, Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 6/6/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM, Vườn đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, tính đến tháng 12/2022, ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Làm vườn các cấp đã chỉ đạo xây dựng 880 vườn chuẩn NTM và 2.125 vườn mẫu nông dân theo hướng vườn chuẩn NTM. Trong đó, đã cấp Giấy chứng nhận vườn chuẩn NTM cho 300 vườn và đang thẩm định, xét công nhận hơn 700 vườn.

Để nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo, năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 114 về Tổ chức cuộc thi “Vườn chuẩn NTM đẹp” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội làm vườn Nghệ An, Phó Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi “Vườn chuẩn NTM đẹp” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm biểu dương, suy tôn những vườn đẹp, có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn, phát huy vẻ đẹp yên bình của làng quê truyền thống ở các địa phương. Đồng thời, thông qua cuộc thi đã tìm ra được những khu vườn tiêu biểu để giới thiệu cho các hộ dân và địa phương khác tới tham quan, học tập nhân rộng.

Ngay khi phát động phong trào đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp chính quyền và người dân. Một số đơn vị cấp huyện triển khai thực hiện có hiệu quả cao trong xây dựng vườn chuẩn NTM như: Diễn Châu (113 vườn), Nghĩa Đàn (76 vườn), Nam Đàn (53 vườn), Thanh Chương (46 vườn), Nghi Lộc (41 vườn), Đô Lương (34 vườn), Hưng Nguyên (32 vườn), Yên Thành (28 vườn), Tân Kỳ (16 vườn)...

Qua các vòng chấm thi, Ban Tổ chức cuộc thi “Vườn chuẩn NTM đẹp” tỉnh Nghệ An năm 2022 đã công nhận 16 vườn đạt giải, gồm: 1 vườn đạt giải Nhất; 2 vườn đạt giải Nhì; 3 vườn đạt giải Ba; 10 vườn đạt giải Khuyến khích.

Đa dạng các mô hình

Từ phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM đẹp đã xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân tiêu biểu với những cách làm hay như: Hộ gia đình bà Cao Thị Hợi, xã Nghi Long huyện Nghi Lộc, với quy mô diện tích vườn 1.073 m2, thu nhập từ vườn bình quân đạt 60 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Phan Văn Nhật, xã Diễn Thái huyện Diễn Châu, với quy mô diện tích vườn 980 m2, thu nhập từ vườn bình quân đạt 150 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Lương Quang Yên, xã Nghĩa Thành huyện Nghĩa Đàn, với quy mô diện tích vườn 7.500 m2, thu nhập từ vườn bình quân đạt 200 triệu đồng/năm.

a02-1685199067.jpg
Vườn hộ gia đình bà Cao Thị Hợi, ông Hoàng Văn Thái, xóm Kim La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc đạt giải Nhất cuộc thi "Vườn chuẩn NTM đẹp" Nghệ An năm 2022

Cụ thể, hộ gia đình bà Cao Thị Hợi, xã Nghi Long huyện Nghi Lộc, với quy mô diện tích vườn 1.073 m2, thu nhập từ vườn bình quân đạt 60 triệu đồng/năm. Trước đây, khi chưa bắt tay vào xây dựng vườn chuẩn NTM, vườn của gia đình chưa có đường đi lối lại, chưa có hệ thống tưới tự động, cây cối trồng nhiều loại đan xen nhiều giống cây như (táo, cam, xoài, rau cần tây) năng suất rất thấp (một năm chỉ đạt từ 10 - 15 triệu đồng) vì mỗi loại cây cần có cách chăm sóc khác nhau. Từ khi xây dựng vườn chuẩn NTM, gia đình được tập huấn khoa học kỹ thuật, được giới thiệu áp dụng các giống cây trồng cho năng suất cao, quy hoạch vườn theo các phân khu chức năng như: Khu trồng cây ăn trái, khu trồng rau, khu trồng dược liệu, khu chăn nuôi khép kín, từ đó mà hiệu quả thu nhập của vườn tăng lên rất nhiều, đạt trung bình 40 - 60 triệu/1 năm.

Sau khi được quy hoạch, gia đình đã xây dựng được hệ thống tưới tiêu tự động với chiều dài hệ thống là 260 mét chiều dài, với 60 beet phun tưới, tất cả được tự động hoá, điều khiển thông qua điện thoại thông minh. Xây dựng 1 bể xử lý rác thái hữu cơ sử dụng vi sinh để xử lý đảm bảo cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp, bổ sung thêm nhiều giống cây trồng cho năng suất cao như: Bưởi da xanh, bưởi diễn, chanh vàng Mỹ, chanh dây Nam Phi và các loại rau củ theo mùa. Hiệu quả mô hình xây dựng vườn chuẩn NTM của gia đình bà Hợi đã lan toả đến nhiều hộ dân trên địa bàn, đến nay, Nghi Long có khoảng 15 hộ đã và đang xây dựng mô hình vườn chuẩn NTM.

Hay như hộ gia đình ông Phan Văn Nhật, xã Diễn Thái huyện Diễn Châu đã tận dụng thế mạnh của địa phương vào phát triển xây dựng kinh tế vườn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Được biết, đầu năm 2021 được sự giúp đỡ động viên của Hội Làm vườn, Hội Nông dân xã gia đình đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện quy hoạch và triển khai phương án sản xuất. Với diện tích vườn 980m2, tận dụng khuôn viên vườn bám 2 mặt đường, 2 mương thoát nước, gia đình đầu tư xây dựng 2 căn nhà cấp 4 với diện tích 110m2, khu vực chuồng trại chăn nuôi gà khoảng 30m2, có nhà kho để lúa và dụng cụ phục vụ sản xuất với diện tích 35m2, diện tích còn lại gia đình dùng cho việc trưng bày, trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả, cây rau gia vị và cây leo giàn.

Với thế mạnh của xã Diễn Thái có cây rau gia vị Mùi tàu đã đạt chất lượng VIETGAP và OCOP 3 sao. Ngoài trồng cây cảnh, gia đình ông Nhật chọn và triển khai sản xuất, kết hợp là các loại cây rau màu khác như rau mùi tàu... Đồng thời, sử dụng men vi sinh Compost maket để ủ phân và chăm bón cho cây.

Hệ thống cây cảnh Bonsai gia đình sử dụng đôn kê nên không ảnh hưởng đến ngập úng, còn các loại cây ăn quả, cây rau màu và cây gia vị gia đình xây dựng hệ thống tiêu bằng các rảnh thoát nước được đào song song với các luống rau và kết hợp phía trên lát hệ thống gạch làm đường đi lối lại nối thông với mương tiêu khu dân cư nên rất đảm bảo cho việc tiêu nước trong vườn. Ngoài hệ thống tưới tự động, gia đình ông còn lắp đặt thêm hệ thống ánh sáng bằng năng lượng mặt trời vừa có ánh sáng chocây vào ban đêm vừa tạo quang cảnh đẹp cho vườn cây.

Trong 3 năm triển khai xây dựng vườn chuẩn NTM, đối với cây cảnh gia đình thường xuyên giao lưu buôn bán cho thu nhập khá ổn định, có nhiều cây có giá trị kinh tế cao đến hàng trăm triệu đồng, bán ra và mua vào hàng năm cho thu nhập khoảng 125-150 triệu đồng. Đối với các loại rau gia vị, cây leo giàn có sản phẩm hàng ngày, bình quân mỗi ngày cho thu nhập từ 80-120 ngàn đồng/ngày.

Xây dựng vườn chuẩn từ “lượng” sang “chất”.

Thông qua cuộc thi “ Vườn chuẩn nông thôn mới đẹp” đã giúp người nông dân có động lực quy hoạch cải tạo khuôn viên, đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng ở vườn nhà, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt vùng quê nông thôn mới.

a03-1685199067.jpg
Phần lớn các vườn đều có thu nhập bình quân trên 40.000.000đ/1.000m2.

Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch được các chủ hộ có vườn nghiêm túc triển khai thực hiện; các chủ hộ đã đầu tư nhiều hạng mục, nhất là cải tạo hệ thống cấp nước và tiêu thoát nước; xây dựng đường đi lối lại trong khuôn viên vườn; bố trí khu vực trồng cây và các công trình phụ trợ một cách khoa học, có tính thẩm mỹ cao. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất được các chủ hộ chú trọng đầu tư thực hiện.

Các hộ đã lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu của thị trường; Yếu tố cảnh quan môi trường được các hộ dân hết sức quan tâm. Đặc biệt, thu nhập từ vườn của các hộ gia đình dự thi đều cao hơn nhiều lần so với thu nhập từ trồng lúa trong xã. Phần lớn các vườn đều có thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/1.000m2; một số vườn có thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/1.000m2.

Xây dựng vườn chuẩn NTM phù hợp thực tiễn

Để xây dựng NTM kiểu mẫu, nhiều địa phương đang triển khai theo hướng “bắt đầu từ xây dựng hộ, vườn, thôn kiểu mẫu rồi đến xã NTM kiểu mẫu”. Trong đó, vườn kiểu mẫu, vườn chuẩn vừa là tiêu chí bắt buộc, vừa là “cú hích” để nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế, tại tỉnh Nghệ An bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM và việc tổ chức cuộc thi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

a41-1685199418.jpg
Hội Nông dân, Hội Làm vườn Nghệ An hướng dẫn nông dân xây dựng vườn chuẩn NTM

Kết quả thực hiện phong trào xây dựng vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn NTM ở một số địa phương chưa đồng đều, nhất là vùng miền núi cao. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tuyên truyền phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM của một số huyện chưa quyết liệt, chưa sâu sát, chưa bám sát Kế hoạch của UBND tỉnh trong việc triển khai xây dựng vườn chuẩn NTM và kế hoạch tổ chức cuộc thi nên kết quả công nhận vườn chuẩn NTM ở một số địa phương chưa cao.

Sản phẩm từ vườn còn manh mún, giá trị thu nhập từ vườn còn vượt trội; số vườn có sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn sản phẩm nông nghệp sach chưa nhiều (VietGAP, GlobalG.A.P, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chẩn ASC, MSC, 4C..); sự liên kết trong sản xuất và hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử còn thấp.

Mặt khác, việc cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, phát triển kinh tế vườn muốn đạt hiệu quả thì quá trình thực hiện việc đưa giống cây, giống con phải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thực hiện nghiêm túc, khoa học, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tính toán hiệu quả kinh tế.

Vì vậy, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phong trào xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, xem đây là tiêu chí quan trọng trong công nhận xã NTM và NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; bổ sung, điều chỉnh tiêu chí công nhận vườn chuẩn NTM phù hợp với yêu cầu thực tiễn; ưu tiên phát triển các tiêu chí phát triển kinh tế vườn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng phát triển kinh tế vườn gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Phát triển vườn theo hướng sản xuất VietGap, nông nghiệp hữu cơ và có liên kết với doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã kể cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Song song đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, liên tục, sâu rộng để thu hút sự quan tâm, chú ý của nhân dân. Có cơ chế khen thưởng theo kết quả đầu ra của việc thực hiện xây dựng vườn chuẩn NTM để tạo động lực phấn đấu giữa các hộ dân và địa phương, tạo sự lan tỏa rộng lớn phong trào.

Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chí xây dựng vườn chuẩn NTM theo hướng vừa kế thừa, phát huy mẫu hình, giá trị những khu vườn truyền thống, đồng thời khuyến khích phát triển các khu vườn có kiến trúc hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, trong quá trình quản lý, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản.

Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm lẫn nhau tạo phong trào thi đua giữa các hộ gia đình với nhau, giữa các thôn xóm trong xã, giữa các xã, giữa các huyện, thành phố, thị xã để tuyên truyền nhằm thay đổi cách nhìn, cách tư duy trong quá trình thực hiện.

Có thể nói, từ kết quả cuộc thi giúp các địa phương từ cơ sở đến tỉnh rút ra một số bài học, cách làm hay trong chỉ đạo xây dựng vườn chuẩn NTM; từ đó, định hướng rõ tiêu chí đánh giá, cơ chế hỗ trợ xây dựng vườn chuẩn NTM của những năm tiếp theo.

Lê Thìn