Nghệ An: Triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn về việc triển khai thực hiện các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 (Yagi), để khẩn trương khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát và khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống của người dân.
img-8248-1729221934.jpg
Hàng trăm héc ta trồng mía tại huyện Anh Sơn bị thiệt haị nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra.

Theo đó, UBND tỉnh giao Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân. Chủ tịch UBND cấp huyện, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, lũ, sạt lở đất thời gian qua tập trung chỉ đạo, khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực hỗ trợ, UBND cấp huyện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT; hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đặc biệt là việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

img-8249-1729221934.JPG
Nhiều cây rừng gỗ lớn tại huyện Quế Phong cũng đã bị gãy đổ.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận tiện, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là đảm bảo chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ; kịp thời phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ Đông năm 2024.

Bên cạnh đó, cần rà soát, tổng hợp, kịp thời phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của các địa phương về hỗ trợ vật tư, hóa chất xử lý môi trường, giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để người dân khôi phục sản xuất.

Sở Công thương chỉ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng do bão, mưa lũ; kịp thời triển khai các biện pháp điều tiết, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, tiêu thụ hàng hóa, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cần thiết nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến, logistic và kho bãi bị hư hại do bão, mưa lũ để bảo đảm không bị gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm.../.

Quốc Cường