Hiện nay, trên địa bàn cả nước, dịch Cúm gia cầm, Dại chó đang diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh dại có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng từ ngày 01/01-20/02/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh Dại động vật tại 12 tỉnh, thành phố và có 18 ca tử vong trên người (tăng 9 ca so với cùng kỳ 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên đến gần 70.000 người.
Nghệ An có tổng đàn vật nuôi lớn với hơn 34 triệu con gia cầm, gần 40.000 con chó. Năm 2023, xảy ra 4 ổ dịch Cúm gia cầm, 11 ổ bệnh Dại làm 7 người tử vong. Chỉ trong tháng 02/2024, đã xảy ra 2 ổ dịch dại tại huyện Quỳ Châu và thị xã Thái Hoà.
Đặc biệt, nếu địa phương nào để dịch bệnh Dại và Cúm gia cầm lây lan, có người tử vong thì Chủ tịch UBND cấp huyện đó sẽ bị phê bình.
Theo đó, các địa phương đang có dịch phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống, để dịch bệnh xảy ra và lây lan, có người tử vong do chó mắc bệnh Dại cắn hoặc người chết do nhiễm virut Cúm gia cầm khi đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin thì Chủ tịch UBND cấp huyện bị phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn.
Sở NN&PTNT và Sở Y tế phối hợp, chia sẻ thông tin để giám sát dịch bệnh, điều tra dịch tễ để kịp thời xử lý triệt để dịch bệnh.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, các quy định của pháp luật về hoạt động chăn nuôi; tuyên truyền người dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo phối hợp, tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép, không rõ nguồn gốc, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch./.