Ngày mai (21/7), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dự báo trong kỳ điều chỉnh này, giá xăng dầu trong nước có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến gần đây tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước.
Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên thị trường Singapore là 112,7 USD, giá xăng RON 95 là 117,4 USD/thùng. Bình quân giá xăng dầu thế giới kỳ ở điều hành trước là 128,7 USD/thùng với xăng RON 92; giá xăng RON 95 là 136,53 USD/thùng. Tương tự, giá các loại dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 18/7 cũng giảm.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết tính đến nay, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 2.500-3.000 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 1.000-1.500 đồng/lít.
Do đó kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng có thể giảm tương ứng khoảng 2.500-3.000 đồng/lít; còn dầu diesel cũng tiếp tục giảm mạnh khoảng 1.500 đồng/lít.
Tuy nhiên mức giảm của mức giảm của giá xăng dầu trong nước vào ngày mai phụ thuộc vào quyết định có hay không trích lập quỹ BOG của nhà điều hành.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhà điều hành không nên trích lập quỹ BOG ở mức cao. Người dân và doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh sau chuỗi ngày khó khăn vì COVID-19.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính mới đây đề xuất giảm một nửa mức thuế suất nhập khẩu xăng. Cụ thể, Bộ này có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%.
Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng cho phép trước mắt tách nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn và có thể áp dụng ngay. Đánh giá số thu ngân sách nếu đề xuất trên được áp dụng, Bộ Tài chính cho hay cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu trong nước khó giảm sâu nếu chỉ giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mà cần nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.