Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Cú hích cho những tài năng phát triển

Ngày 2/10/1996, Đảng và Nhà nước đã thành lập Hội Khuyến khích và Phát triển giáo dục Việt Nam, gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 29/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ.
ha-noi-se-xay-dung-nghi-quyet-ve-khuyen-hoc-khuyen-tai-1-edited-1689070522742-1696058247.webp
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình tìm hiểu văn hóa truyền thống qua sách, báo.

Ngày 2/10 được lấy làm Ngày Khuyến học Việt Nam nhằm động viên người dân tham gia phong trào khuyến học, đồng thời tôn vinh những cá nhân và tập thể đạt thành tích trong công tác khuyến học.

Cộng đồng khuyến học đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp

Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 122 về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức ra mắt. Sau đó, phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng lan rộng trong toàn quốc, lan tỏa tới mọi cộng đồng dân cư, khuyến học, khuyến tài được cán bộ và nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Đến ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272, lấy ngày 2/10 hằng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, dấu ấn 2/10 ngày càng đậm nét theo thời gian bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang làm gia tăng các giá trị của nó. Trong nửa thế kỉ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta. Cụ thể, Hội đã triển khai thành công Quyết định của Thủ tướng về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, Quyết định 89/QĐ-TTg  về xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020.

"Từ những văn kiện này, phong trào xây dựng xã hội học tập đang hướng tới hình thành những cộng đồng học tập cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025 và đến năm 2030 chúng ta sẽ có những tỉnh học tập, thành phố học tập, Việt Nam sẽ trở thành nước có xã hội học tập với các mục tiêu cụ thể và sẽ hội nhập sâu vào mạng lưới toàn cầu thành phố học tập của thế giới hiện đại" - GS Doan cho biết.

Tập trung triển khai mô hình “Công dân học tập”

GS.TS Nguyễn Thị Doan cũng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội sẽ tập trung triển khai mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677 và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ. Xét về chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình “Công dân học tập” có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển tốt mô hình công dân học tập, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời, từ đó những công dân số sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.

Bình Trung TH