Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào từ những dự án “treo”?

Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp đã phải “nhường chỗ” cho việc xây dựng các dự án lớn, nhưng khi những công trình chậm triển khai dẫn đến tình trạng đất bị bỏ hoang, còn người dân thì thiếu đất canh tác.
nganh-nong-nghiep-bi-thiet-hai2-1696519780.jpg
Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long chậm triển khai gây lãng phí đất nông nghiệp.

Khi hàng loạt dự án “khủng” được tập trung đầu tư xây dựng, chính quyền và người dân đều kỳ vọng các dự án sẽ đưa địa phương sẽ phát triển lên một tầm cao mới, chuyển từ nền kinh tế thuần nông kém hiệu quả sang nên kinh tế công nghiệp công nghệ cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai, nhiều diện tích đất đã được giao, hoặc cho các nhà đầu tư thuê.

Thiếu đất canh tác tại các dự án treo

Tại Thanh Hóa, những năm gần đây, địa phương luôn được xem là điểm lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính riêng trong năm 2022, địa phương này đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD, góp phần vào thành quả tăng trưởng GRDP đạt 12,51%, xếp thứ 7 cả nước. Chỉ 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 9 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 9.000 tỷ đồng.

nganh-nong-nghiep-bi-thiet-hai-1696520216.jpg
Hơn 40 ha đất thực hiện Dự án Xi Măng Thanh Sơn đến nay đã "bỏ hoang" do thiếu vốn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong vùng.

Đa số các dự án, sau khi hoàn thiện hồ sơ, về cơ bản, các chủ đầu tư đều tích cực, khẩn trương triển khai dự án, đảm bảo theo tiến độ theo đúng quy định. Nhưng cũng không hiếm nhà đầu tư đã cố tình trây ì không chịu triển khai dự án, dẫn đến tình trạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều dự án “treo”, gây lãng phí hàng trăm héc ta đất nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê, đến tháng 6 năm 2023, tỉnh Thanh Hóa là 339 dự án không thực hiện hoặc thực hiện đầu tư dự án chậm tiến độ, tăng 96 dự án so với năm trước. Trong đó có 18 dự án không triển khai thực hiện, không sử dụng đất trong 12 tháng liên tục, 154 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng.

Đơn cử, dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại huyện miền núi Ngọc Lặc được khởi công vào năm 2009 với diện tích trên 40 ha. Để thực hiện dự án, 206 hộ dân sinh sống tại các thôn Vân Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn, Thanh Sơn thuộc diện phải thu hồi đất ở và đất nông nghiệp để hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Hiện công trình đã ngừng thi công do chủ đầu tư thiếu nguồn vốn nên không thể tiếp tục thực hiện dự án sau khi hoàn thành phần tường bao. Toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà máy bỏ không nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Hay như đại dự án Khu công nghiệp Hoàng Long (Tp.Thanh Hóa) của Tập đoàn FLC với diện tích lên tới 287 ha, nằm trên địa bàn các xã Hoằng Anh và xã Hoằng Long, Hoằng Quang, Tp Thanh Hóa và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, được khởi công xây dựng cuối tháng 9/2015, với tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng nhưng sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, từ năm 2018 đến nay, tập đoàn FLC không tiếp tục triển khai dự án dẫn đến đất đai bỏ hoang nhiều năm nay.

Việc dự án chậm triển khai, không chỉ gây lãng phí lớn về tài chính cho chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và ngân sách nhà nước mà còn làm méo mó hình ảnh đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khẳ năng thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, dự án “treo” còn gây không ít khó khăn cho ngành nông nghiệp khi đất canh tác thiếu trong khi hàng trăm héc ta đất vẫn để hoang nằm chờ dự án.

Một phép tính đơn giản giúp chúng ta dễ nhận ra khi đất nông nghiệp phải bỏ hoang chờ dự án. Nếu 1 sào đất hoa màu người nông dân có thể thu về 15 đến 20 triệu đồng/năm. Vậy khi hàng trăm héc ta đất để hoang thì số tiền lãng phí lên đến con số bao nhiêu? Đặc biệt trong những năm gần đây, việc liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp trong việc ứng dụng kỹ thuật hiện đại và sản xuất xanh rất cần nhiều tài nguyên đất, trong khi có những chỗ vì trông chờ dự án mà đất đã thành hoang hóa.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

Trước hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên đất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều giải pháp và động thái nhằm xử lý quyết liệt tình trạng này.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII nêu, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án, có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư…

Tại Sầm Sơn, đến nay đã có 3 dự án đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi và bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa do nhà đầu tư triển khai chậm tiến độ so với kế hoạch.

Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất không gia hạn đối với 20 dự án mà nhà đầu tư không tích cực phối hợp để triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện hồ sơ, thủ tục của dự án; không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương; đã bị thu hồi để Nhà nước đầu tư thực hiện các dự án giao thông, diện tích còn lại không đảm bảo thực hiện dự án và nhà đầu tư không còn kế hoạch thực hiện.

Việc quyết liệt xử lý những dự án “treo” của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của dự án, xóa bỏ hoài nghi của người dân đối với lãnh đạo. Sự quyết liệt thu hồi dự án chậm tiến độ còn là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những nhà đầu tư đang có ý định trục lợi, trầy ì triển khai thực hiện.

Hà Khải