Tọa đàm Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới và việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA này của các địa phương ngày càng tích cực hơn.
Theo số liệu của Vụ Chính sách Thương mại Đa biên cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới đã có sự cải thiện trong thời gian qua. Với Hiệp định CPTPP, hiện có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường trong khối này và khoảng trên dưới 50% tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước thuộc EVFTA.
Còn theo Sở Công thương Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu sang các nước ký kết hiệp định như CPTPP cũng như EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 của Hà Nội ước đạt được khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, với khoảng 2.600 doanh nghiệp xuất khẩu và khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang các nước trong 3 FTA này bao gồm các mặt hàng cơ kim khí đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu cũng như hàng dệt may đạt khoảng 0,8 tỷ USD và linh kiện điện tử vi tính đạt khoảng 0,6 tỷ USD; giày dép, cặp túi các loại đạt khoảng 0,3 tỷ USD và nông sản các loại thì đạt 0,2 tỷ USD. Ở chiều nhập khẩu, các doanh nghiệp tại Hà Nội nhập khẩu hàng hóa từ khu vực thị trường thuộc 3 FTA kể trên khoảng 13,03 tỷ USD, cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu khá lớn.
Trong khi đó, ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ khi có các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã có sự gia tăng đáng kể, ví dụ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt mức tăng từ 0,75% cho đến ba lần so với trước đó.
Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực, song các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp thực sự hiểu và khai thác được cơ hội từ các FTA vẫn còn khá hạn chế. Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, vẫn còn khoảng cách rất là lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng của chính quyền các địa phương. Vì vậy, cần phải đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về những lợi ích các FTA mang lại với doanh nghiệp cần chuyên sâu, cụ thể hơn. Từ kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai hỗ trợ hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Do đó, ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Mặt khác, cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa, cần tạo được một cơ chế kết nối phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội sẽ đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp được một cách tốt hơn.
Với vai trò của cơ quan quản lý, ông Ngô Chung Khanh cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ phối hợp triển khai về bộ chỉ số đánh giá FTA Index từ đầu năm 2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành lập một tổ công tác liên ngành và phối hợp với các tỉnh thành.
Do đó, Bộ Công Thương cũng đã có gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành cung cấp các đầu mối để cùng với nhau nghiên cứu phương pháp điều tra, phương pháp tính, phương pháp xây dựng chỉ số cho chính xác và công bằng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chuẩn bị các dữ liệu và hy vọng đầu năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index. Đồng thời, Bộ sẽ tiến hành các hoạt động phổ biến, tuyên truyền cho các tỉnh thành, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan để biết rằng có một chỉ số đang chuẩn bị được hình thành.