Nâng cao kiến thức, hiểu biết, khả năng tư duy và kỹ năng tài chính cho người dân

Là một trong những kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện vừa được tổ chức.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

thu-tuong2-1659839291.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 149 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong hơn 2 năm qua, các cấp, các  ngành đã triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp, nhất là các kênh cung ứng dịch vụ trên nền tảng điện thoại di động, Internet.

Các cấp, các ngành tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện và giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết tài chính cho người dân. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Đặc biệt, một số giải pháp rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp thực hiện như: Ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC); triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money), xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

thu-tuong-1659839291.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao kiến thức, hiểu biết tài chính, khả năng tư duy tài chính và kỹ năng tài chính cho người dân. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực và những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, địa phương đạt được trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Đồng thời cũng chỉ rõ, còn nhiều khó khăn và thách thức cần lời giải phù hợp, hiệu quả, để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính phát triển còn chưa đồng đều, cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh người dân là trung tâm, là chủ thể của Chiến lược, nhất là những người yếu thế, người nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và ngược lại người dân cũng cần tích cực tham gia vào việc thực hiện các chính sách.

Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, dịch vụ hiện đại, giảm chi phí để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và khả năng ứng phó trước thiên tai, dịch bệnh.

Để triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ của Chiến lược, Thủ tướng đề nghị bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về tài chính toàn diện để mỗi người nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng tài chính, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện. Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương liên quan.

An An