Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn đẩy nhanh chuyển đổi xanh doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
chuyen-doi-xanh-1740299191.jpg
Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn đẩy nhanh chuyển đổi xanh doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải carbon tới năm 2050. Chính phủ cũng đặt quyết tâm đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể đối với hành động cắt giảm khí thải carbon. Đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững. Nhiều hoạt động cụ thể cũng đã được triển khai như quy định về dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; áp dụng nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất…

Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.

Chia sẻ về vấn đề này tại Tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do báo Người lao động tổ chức mới đây, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: Chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến DN chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi. Ngay cả các ngân hàng (NH) cũng đang gặp lúng túng khi chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xanh, dẫn đến khó khăn trong việc cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường.

ong-hoang-duong-tung-173997322536454514812-1740299269.webp
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. (Ảnh báo Người lao động)

Bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế. Sự thiếu hụt thông tin và các chương trình đào tạo chuyên sâu đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế xanh riêng cho từng ngành, giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về tiêu chuẩn, công nghệ, nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Dương Tùng: Các doanh nghiệp cần tự rà soát hoạt động sản xuất, cắt giảm công nghệ lạc hậu, tối ưu hóa quy trình để giảm phát thải. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý năng lượng, chuỗi cung ứng và sản xuất thông minh sẽ giúp DN nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay: “Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero, cần có một cách tiếp cận đa chiều nhằm hỗ trợ nền kinh tế dịch chuyển từ mô hình truyền thống sang nền kinh tế xanh. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và thực hành bền vững. Việc ban hành hướng dẫn rõ ràng, cung cấp các ưu đãi và xây dựng môi trường pháp lý ổn định sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và hạ tầng xanh.

Chuyển đổi xanh cũng cần được đồng bộ với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc tích hợp công nghệ số vào các sáng kiến xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả và giảm lượng khí thải carbon. Điều này đòi hỏi đầu tư vào hạ tầng bền vững cũng như các công nghệ tiên tiến như lưới điện thông minh, hệ thống tiết kiệm năng lượng và sản xuất thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, để bảo đảm nguồn vốn cho quá trình này, các tổ chức tài chính cần tiếp tục mở rộng các kênh tài trợ xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp bền vững và năng lượng tái tạo. Việc thúc đẩy các hình thức huy động vốn như trái phiếu xanh và tín dụng ESG sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên phạm vi toàn quốc”, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh./.

Hương Lan