Nam Cao - Trí thức dấn thân không chịu sống mòn (Kỳ 3)

Tác phẩm cũng thể hiện tâm trạng nhà văn, náo nức một niềm tin tưởng và tự hào ở cuộc kháng chiến mà ông đang thực sự góp phần, đồng thời dạt dào tình yêu thương, cảm phục trước vẻ đẹp tâm hồn cao cả của đồng bào Việt Bắc, những người dân miền núi chất phác, nghèo khó nhưng thiết tha với cách mạng.
30557-doimat-1639296408.jpg
Bìa truyện ngắn Đôi Mắt (Ảnh minh họa)

Ông đã từng ghi trong nhật ký, ngày 3.11.1947, “Gần gũi những người Dao đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành, sốt sắng và tận tuỵ, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng”. Viết xen kẽ với "Nhật ký ở rừng" còn một tác phẩm khác cũng rất đặc sắc của Nam Cao, truyện ngắn Đôi mắt”. Tác phẩm được viết vào mùa xuân năm 1948 tại Việt Bắc, vài tháng sau khi Nam Cao được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ban đầu tác phẩm có tên là “Tiên sư anh Tào Tháo” nhưng sau đổi thành “Đôi mắt” bởi, như ông đã viết trong nhật ký, muốn “đặt cho nó một cái tên giản dị và đứng đắn hơn”. Cái tên “Đôi mắt” ra đời sau sự nghiền ngẫm của nhà văn, vừa giản dị vừa sâu sắc, thể hiện được chủ đề của tác phẩm. “Đôi mắt” là vấn đề cách nhìn, vấn đề quan điểm. Nam Cao gọi đó là cách “nhìn đời và nhìn người”.

Cách nhìn ấy được thể hiện một cách cụ thể và sinh động, đầy ám ảnh nghệ thuật trong tác phẩm. Đó là cách nhìn của nhà văn đối với nhân dân lao động, chủ yếu là người nông dân trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà văn Tô Hoài còn gọi “Đôi mắt” là một thứ tuyên ngôn nghệ thuật chung của lớp nghệ sĩ cách mạng ngày ấy. Gọi “Đôi mắt” là bản tuyên ngôn nghệ thuật bởi “Đôi mắt” trước hết là bản tuyên ngôn về lập trường cách mạng, lập trường kháng chiến của lớp văn nghệ sĩ tiểu tư sản, về cái nhìn tin yêu đối với nhân dân và thời đại, tuyên ngôn về chỗ đứng của nhà văn trong kháng chiến.

Đó là những nhà văn quyết tâm từ bỏ những quyền lợi ích kỷ của mình, từ bỏ những thói quen sinh hoạt và nếp tư duy cũ, từ bỏ cả cái nghệ thuật “cao siêu” ngày trước, sẵn sàng làm một “anh tuyên truyền nhãi nhép” nhưng có ích cho nhân dân, cho kháng chiến như nhân vật Độ đã giãi bày trong tác phẩm. Họ “biết tin vào sức mạnh nhân dân”, và tự nhủ mình “hãy biết đứng vào hàng ngũ của họ, đem tài năng dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng. Ở phương diện khác, “Đôi mắt còn đặt vấn đề quan niệm về cái đẹp, về đối tượng của nghệ thuật mới, nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Nhờ thực sự tham gia cách mạng, sống giữa nhân dân cách mạng, Nam Cao đã chỉ ra phương hướng đi tìm cái đẹp, đi tìm đối tượng của nghệ thuật mới. Đó là những con người có thật, rất đỗi bình thường, những người nông dân áo vải, răng đen, đi chân đất, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, nhưng đã đứng dậy làm cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại và sau đó gánh cả cuộc kháng chiến trên đôi vai vững chãi của mình.

Đầu năm 1950, Nam Cao chuyển sang Hội Văn nghệ Việt Nam, làm  việc trong toà soạn tạp chí Văn nghệ cùng các văn nghệ sĩ nổi tiếng  Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Thanh Tịnh, Thép Mới, Nguyễn Hữu Đang, Hoài Thanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Trần Huyền Trân, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Văn Cẩn...

Tháng 6, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sỹ, sau đó tham gia chiến dịch biên giới Thu đông năm 1950 cùng Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng. Chuyến đi thực tế theo bộ đội ra chiến trường đã cung cấp thêm nhiều chất liệu sống động để nhà văn viết tập ký Truyện Biên giới, một sáng tác thành công về cuộc sống và chiến đấu chống thực dân Pháp trong cuộc kháng chiến toàn dân được Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1951 ở Việt Bắc. Tháng 5.1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng về dự Hội nghị văn nghệ Liên khu III, sau đó vào công tác ở khu IV.

Tại đây, Nam Cao nhận nhiệm vụ tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu khu III với dự định tranh thủ lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành. Trong chuyến đi, Nam cao và đoàn cán bộ lọt vào ổ phục kích của giặc, nhà văn anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù ngày 30 tháng 11 năm 1951 tại Gia viễn, Ninh Bình, khép lại một đời văn ở tuổi 34, khi tài năng đang độ chín.

Sự nghiệp báo chí của Nam Cao gắn liền với sự nghiệp sáng tác văn chương của ông và có thể coi ông là một trong những nhà văn có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển báo chí bằng văn học. Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao đặc sắc, độc đáo mà đa dạng. Với quan niệm “Văn học phải phản ánh hiện thực cuộc sống với tất cả góc cạnh đa dạng, phong phú vốn có”, ngay từ những ngày đầu, tác phẩm của Nam Cao nhanh chóng vượt qua ảnh hưởng của văn học lãng mạn để trở thành những sáng tác mang tính hiện thực sâu sắc.

Các sáng tác của Nam Cao vừa chân thực vừa có ý vị triết lý, ý nghĩa khái quát sâu xa, nhất là những sáng tác trước 1945. Những tác phẩm viết trước Cách mạng tháng Tám của ông đã phản ánh chân thực xã hội Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến, với số phận của những người nông dân sống quằn quại trong sự đè nén áp bức và những trí thức nghèo sống bần cùng trong đói khổ. Bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tài tình, nhà văn giàu lòng nhân ái đã xây dựng được những tình huống điển hình có tính khái quát, làm được một việc lớn lao hơn hẳn một số nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu cùng thời, bởi tác phẩm của ông là “sự tổng hợp của nhiều tiếng nói, nhiều giọng điệu, nhiều lớp ý nghĩa, nhiều màu sắc thẩm mỹ, gợi sự suy ngẫm, liên tưởng” của người đọc./.

Đỗ Hằng và Hà Phương Thiện