Năm 2025 sẽ có 75 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu?

Internet vạn vật (IoT) đang phát triển rất nhanh chóng, biến máy móc thành những vật có tri giác, và đến một ngày nào đó IoT sẽ bao trùm toàn bộ thế giới.

 

h5-1696032689.jpg
Kevin Ashton là một chuyên gia về công nghệ mới. Nguồn: hayeshayes.com

Năm 1999, thuật ngữ “internet of things” (internet vạn vật) được Kevin Ashton tạo ra, khi đó đang làm việc cho Tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G). Trong khi chuẩn bị thuyết trình về một hệ thống cảm biến và nhãn nhận dạng qua tần số radio (RFID) gắn trên hàng hóa để quản lý chuỗi cung ứng, Ashton cần một tiêu đề đủ sức hấp dẫn cho bài thuyết trình.

Theo Ashton, internet là khái niệm rất được quan tâm thời điểm đó nhưng người ta chỉ nghĩ rằng internet là mạng lưới kết nối các website. Vì thế, khái niệm mạng internet cho đồ vật (internet of things) sẽ gây sự tò mò. Ashton cũng chia sẻ rằng máy tính của thế kỷ 20 là những bộ não không tri giác, chỉ hiểu được những thông tin mà con người nhập vào, còn máy tính trong thế kỷ 21 có thể tự cảm nhận mọi thứ trong cuộc sống nhờ internet vạn vật.

20.000 USD là mức giá của chiếc tủ lạnh kết nối internet đầu tiên, được hãng LG tung ra thị trường năm 2000. Chiếc tủ lạnh này được mô tả là có một màn hình TFT-LCD khoảng 15 inch, cổng kết nối mạng LAN và một màn hình cảm ứng nhỏ, cho phép người dùng mua sắm online, gọi video, chụp ảnh, check email, xem tivi, bật nhạc. Bên cạnh đó, chiếc tủ lạnh thông minh này còn có thể báo nhiệt độ trong tủ, kiểm kê ngày hết hạn, và cung cấp thông dinh dưỡng, công thức nấu ăn của các loại thực phẩm có trong tủ. Mặc dù mang đến hàng loạt tiện ích “từ tương lai” như vậy, nhưng có lẽ mức giá 20.000 USD là quá cao với phần lớn người tiêu dùng. 

Theo Microsoft, từ năm 2004 đến năm 2018, mức giá trung bình của cảm biến IoT đã giảm gần 70%. Cùng với đó, các cảm biến đã trở nên đa dạng và thông minh hơn rất nhiều. Sự phát triển của internet vạn vật kéo theo nhu cầu không ngừng về nâng cấp cảm biến, thúc đẩy thị trường cảm biến IoT phát triển từ chỗ chỉ có một vài nhà cung cấp với giá thành đắt đỏ trở thành một ngành sản xuất toàn cầu và giá cả cạnh tranh. Điều này cũng góp phần làm giảm đáng kể giá thành của các sản phẩm thông minh. 

h4-1696032736.jpg
Một số loại cảm biến trong nhà thông minh Vsmart. Nguồn: Vin3S

40 nghìn tỷ gigabyte (~40 zettabyte) là dung lượng dữ liệu mà các thiết bị IoT tạo ra mỗi năm hiện nay. Hãy tưởng tượng nếu tất cả lượng dữ liệu đó được lưu vào đĩa mềm như ở thập niên 1990, thì số lượng đĩa mềm sẽ đủ để bao phủ hơn một nửa bề mặt trái đất. Theo dự báo, con số 40 nghìn tỷ gigabyte dữ liệu hàng năm đó ​​sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới, và tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục theo cấp số nhân trong những năm tiếp theo. 

h3-1696032773.jpg
Điện toán đám mây góp phần xử lý lượng dữ liệu IoT khổng lồ. Nguồn: geralt/pixabay

Để thúc đẩy internet vạn vật phát triển, nhiều loại công nghệ phải được kết hợp với nhau và phát triển đồng thời. Khi ngày càng có nhiều thiết bị IoT thì cũng ngày càng có nhiều dữ liệu được tạo ra, đòi hỏi máy tính phải đủ mạnh để lưu trữ, xử lý và đường truyền internet phải được nâng cấp.

Điều này dẫn đến sự xuất hiện của những công nghệ như điện toán đám mây, điện toán biên, mạng 5G (Hyperlink 5G), trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học. Đây là số lượng cảm biến IoT trong 1 dặm vuông (~2,6 km2) có thể cùng lúc kết nối internet nếu có hỗ trợ mạng 5G, theo Steve Szabo - phó chủ tịch Tập đoàn viễn thông Verizon. Hiện tại, phần lớn các thiết bị IoT đang phụ thuộc vào mạng Wi-Fi để truyền lượng tải dữ liệu lớn và phức tạp, vì thế các hệ thống IoT không thể vượt qua phạm vi không có sóng Wi-Fi. 

h2-1696032808.jpg
Mạng 5G được kỳ vọng là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của IoT. Nguồn: pcmag.com

Nhưng khi mạng 5G phủ sóng trong vài năm nữa, các thiết bị IoT hoàn toàn có thể được “cởi trói” khỏi mạng Wi-Fi và hoạt động ở bất kỳ nơi nào có mạng di động. Mạng 5G có thể đạt tốc độ truyền tải nhanh gấp 100 lần 4G, cùng với độ trễ nhỏ hơn 1 mili giây (0,001 giây) so với độ trễ của Wi-Fi hiện nay là 20 - 40 mili giây.

Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Statista, thế giới sẽ có 75 tỷ thiết bị được kết nối internet vào năm 2025. Tính đến hết năm 2020, ước tính có khoảng 20 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu và cứ mỗi giây lại có thêm 127 thiết bị được kết nối với internet. 

h-1696032857.jpg
Ngày càng có nhiều thiết bị thông minh được kết nối với internet. Nguồn: geralt/pixabay

Theo nghiên cứu của McKinsey, internet vạn vật có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế từ 4 nghìn tỷ đến 11 nghìn tỷ USD tính đến năm 2025. Sự phát triển của IoT có thể thay đổi hoàn toàn mọi khía cạnh cuộc sống từ nhà máy, đô thị, chuỗi bán lẻ và cả chính con người. Số lượng các thiết bị IoT trong đời sống sẽ không ngừng gia tăng và đến một ngày nào đó internet vạn vật (IoT) được cho là sẽ bao trùm mọi thứ trên thế giới./. 

Tú Anh TH