Năm 2022, Thanh Hóa đạt nhiều kết quả ấn tượng, thiết lập nhiều kỉ lục mới

Hai năm vừa qua là khoảng thời gian đặc biệt đối với người dân các tỉnh thành cả nước khi phải đối mặt với nhiều thách thức bởi đại dịch Covid-19. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nhiều tỉnh thành đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, nhanh chóng hành động quyết liệt, hiệu quả, nhằm quy tụ, đoàn kết cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn. Thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát, khống chế dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và Thanh Hóa là một trong số đó.

Những kết quả rất tích cực này đã được Trung ương ghi nhận, khẳng định; Đồng thời góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế xã hội của tỉnh và phản ánh trực tiếp vào các thành quả của nền kinh tế địa phương.

Thanh Hóa đã và đang có những bước tiến vượt bậc về nhiều mặt. Những kỉ lục liên tục được thiết lập và lập các đỉnh mới với những thành tích lớn chưa từng có trong lịch sử phát triển của địa phương. Thêm nữa, các thành tích ấn tượng này không chỉ thể hiện ở một vài khía cạnh mà đã và đang diễn ra trên nhiều mặt trận. Đưa Thanh Hóa trở thành vùng đất lý tưởng và điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư trong và ngoài nước.

trong-hung-1674980084.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.

Về mặt kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương liên tục bứt phá trong những năm gần đây, đặc biệt trong 2022. Đưa Thanh Hóa vào nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm nay ước đạt 12,51% và đứng vào hàng thứ 7 của cả nước.

Năm 2022, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 16,33%, dịch vụ tăng 10,18%, thuế sản phẩm tăng 16,9%. Đây là những lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Trong đó, nhóm các mặt hàng sản xuất đứng đầu ngành xuất công nghiệp và xây dựng gồm có: Quần áo may sẵn, giày thể thao, điện sản xuất và bia các loại.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 làm đình trệ một thời gian và giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng vẫn phát triển tốt với mức tăng trưởng 3,65%. Trong đó, sản lượng thủy sản ước đạt 207,9 nghìn tấn; Tổng sản lượng lương thực đạt 1.585 triệu tấn, giá trị bình quân trên 1hecta đất là 115 triệu đồng. Tích tụ đất đạt 7,334 ha; Trồng mới được 6,2 triệu cây phân tán và 12.500 ha rừng tập trung. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Năm 2022, có 02 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

thanh-hoa-1674978837.jpg
Thanh Hóa ngày càng phát triển giàu mạnh.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất nông lâm thủy sản thì lĩnh vực du lịch của Thanh Hóa đang có nhiều tiềm năng để bứt phá vươn lên trong thời gian tới. Theo số liệu của Sở VHTTDL Thanh Hóa, 11 tháng năm 2022 toàn tỉnh đã đón gần 11 triệu lượt khách, đạt 107,4 % kế hoạch năm 2022. Tổng thu du lịch 11 tháng trong năm 2022 đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021 và đạt 109,5% kế hoạch 2022. Đây cũng là năm đầu tiên du lịch Thanh Hóa được gọi tên trong hàng ngũ xếp hạng “quán quân” của ngành du lịch Việt Nam về lượng khách du lịch đổ về trong 09 tháng đầu năm. Điều này có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi đặt trong tình cảnh ngành du lịch Việt đang có những nốt trầm do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19.

Lĩnh vực thu ngân sách của địa phương đạt mức lớn chưa từng có, cao nhất từ trước tới nay với 48.820 tỉ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa chiếm 61,8% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 38,2%. Chi ngân sách nhà nước cơ bản đang đáp ứng được với các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là những con số biết nói, phản ánh sự lớn mạnh của nền kinh tế địa phương.

Các hoạt động đầu tư khác cũng đạt các kết quả tích cực, tổng huy động vốn đầu tư cho phát triển ước đạt 138.919 tỉ đồng. Thu hút 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI) đã được đăng ký là 4.833 tỉ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án với số vốn tăng 32,7 triệu USD. Bên cạnh đó là sự phát triển sôi động của nền kinh tế địa phương với nhiều thành phần tham gia; Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh... đang đua nhau phát triển. Góp phần đa dạng hóa nguồn thu cho ngân sách địa phương trong hiện tại và cả trong tương lai.

Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao kể cả vật chất lẫn tinh thần. GRDP bình quân đầu người năm nay ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Thanh Hóa cũng là tỉnh có tốc độ tăng thu nhập bình quân nhanh nhất của cả nước trong vòng 10 năm qua, đạt trên 24% năm. Theo công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 thì Thanh Hoá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Và đây là năm thứ 2 liên tiếp, Thanh Hóa có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực này.

Về mặt văn hóa, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện tốt. Nhiều lễ hội như: Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường ở Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” vẫn được đẩy mạnh. Về thể thao thành tích cao của tỉnh đạt được 533 huy chương các loại. Trong đó, tại SEA Games 31 vừa qua các vận động viên Thanh Hóa giành 10 huy chương vàng, 04 huy chương bạc, 03 huy chương đồng, một con số cao nhất từ trước đến nay.

Về mặt giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Mảng giáo dục mũi nhọn vẫn giữ vững trong nhóm đầu của cả nước; Theo đó, học sinh Thanh Hóa đạt 01 huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế; 58 giải khác (trong đó có 01 giải Nhất và 12 giải Nhì) tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022.

Về mặt an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ. Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 24.412 lao động; cấp mới, cấp lại. Gia hạn giấy phép lao động cho 1.470 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc và tôn giáo, người có công với cách mạng đang được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo đạt được các kết quả khá tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh chỉ còn khoảng 5,05%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2022 ước đạt 90%, đạt kế hoạch.

Về mặt cải cách hành chính, Thanh Hóa đang được đánh giá là nằm trong nhóm tỉnh thành có những bước đi đúng hướng và có các cải cách hành chính công hiệu quả. Đặc biệt là chưa có thời kỳ nào mà nội dung cải cách hành chính lại được các cấp chính quyền của tỉnh nỗ lực chỉ đạo thực hiện như thời điểm hiện nay mà “chìa khóa” giải quyết vấn đề đang nằm ở công tác chuyển đổi số.

Theo đó, công tác chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã có nhiều thành tựu như: Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; Văn bản điện tử đã thay thế văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước; Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng tăng cao. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ; Đưa Thanh Hóa đứng vào hàng thứ 3 toàn quốc về Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Và đứng thứ 14 về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của cả nước.

Những thành công ấn tượng này đã và đang tạo đà rất lớn để Thanh Hóa tiếp tục cuộc hành trình chinh phục những thử thách mới, vươn lên phát triển vững mạnh hơn nữa; Trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hình thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Hà Thanh