Khuyến công Thanh Hóa: Khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn

Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa (Trung tâm) đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN nông thôn); đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, giới thiệu quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm CN-TTCN đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Xác định đây là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, vì vậy, Sở Công Thương và Trung tâm đã tập trung nhiều giải pháp phát triển làng nghề như: Chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển làng nghề. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài địa phương tham gia dạy nghề… động viên khuyến khích và hỗ trợ chủ sở hữu cơ sở chú trọng đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

1-anh-lang-nghe-1654262485.jpg
Nghệ nhân Lê Văn Bảy (ảnh trái) người có công đầu tiên trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề đúc đồng Chè Đông - xã Thiệu Trung - huyện Thiệu Hóa

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 132 làng nghề với 36 nghề TTCN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 90.000 lao động khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đạt từ  3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 2 nhóm nghề hoạt động hiệu quả, gồm: Nhóm làng nghề chế bến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; Nhóm làng nghề sản xuất TTCN. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói (huyện Nga Sơn); sản xuất miến gạo Thăng Long (huyện Nông Cống); đúc đồng Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa); nghề mộc (huyện Hoằng Hóa)…

2-ctac-nghiem-thu2-1654262530.jpg
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền cán tôn tạo sóng cho Công ty TNHH TNT, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Theo khảo sát, đánh giá thực tế tại các đơn vị được thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công tại địa phương đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển của các cơ sở CNNT. Đây cũng chính là động lực giúp các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động trên địa bàn nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Kết quả này có được là nhờ sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN, đồng thời với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công của tỉnh Thanh Hóa.