'Thủ phủ' đào rừng náo nhiệt non cao, nhà vườn thu tiền tỷ vụ Tết

Cao nguyên Mộc Châu mỗi dịp tết đến thị trường mua bán cành đào trở nên quen thuộc trên tuyến đường quốc lộ 6. Nắm bắt thị hiếu và đa dạng cho sản phẩm đào tết, nhà vườn ở Mộc Châu đã mạnh dạn đưa giống đào tiến Vua, là giống đào cảnh cổ của làng đào Nhật Tân (Hà Nội) lên Mộc Châu để trồng thu về tiền tỷ trong vụ tết.
dao-moc-chau-01-1706772413.jpg
Các nhà vườn trên cao nguyên Mộc Châu đang tất bật chăm sóc cây đào để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Tuấn ở tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã có kinh nghiệm làm vườn đào từ gần 20 năm nay. Vào mỗi dịp Tết, anh đều chở đào về Hà Nội để cho thuê, sau rằm tháng Giêng lại chở về Mộc Châu để chăm sóc.

Anh Tuấn chia sẻ, bình quân mỗi dịp Tết Nguyên đán, gia đình anh cho thuê từ 300 - 500 cây đào. Với giá giao động từ 5 - 30 triệu đồng, trừ các loại chi phí, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng.

"Kỹ thuật chăm sóc và kỹ thuật để làm cho ra hoa đúng dịp Tết của cây đào thất thốn, hay còn gọi là cây đào tiến vua sẽ khó hơn nhiều các loại cây đào khác. Vì cây đào thất thốn này yêu cầu thời gian lạnh trong năm nhiều hơn, ví dụ cây đào phai hoặc đào bích Nhật Tân chỉ cần khoảng 100 giờ lạnh dưới 10 độ C, nhưng cây đào thất thốn cần đến 300 giờ lạnh, đó là cái khó nhất nên không phải vùng nào cũng trồng được cây đào thất thốn", anh Tuấn bày tỏ.

dao-moc-chau-02-1706772401.jpg
Với đặc điểm cánh to, hoa to, màu sắc tươi và lâu tàn, cây đào Mộc Châu luôn được tiểu thương và người dân đánh giá cao.

Gia đình ông Phạm Xuân Luật ở tiểu khu Mía Đường, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu cũng đã có nhiều năm làm nghề trồng đào Tết. Những ngày này, mỗi ngày, gia đình ông đều xuất bán hàng chục gốc đào về thị trường các thành phố lớn.

Theo ông Luật, để có những gốc đào cổ thụ sai hoa và nở đúng thời điểm Tết; đồng thời có dáng thế đẹp để làm nên giá trị của cây đào, thì những người làm vườn như gia đình ông và bà con xung quanh cũng phải sáng tạo, uốn nắn đa dạng dáng, thế với ý nghĩa khác nhau.

Ông Luật cho biết thêm: "Hoa đào phai nếu ghép trên gốc cây đào cổ như thế này thì phát triển khỏe, hoa nụ to, cánh đẹp. Kỹ thuật chăm sóc đào thì tôi dùng cả ngô, đậu tương, cá tươi ngâm cùng nhau để tưới cho cây thì cánh mới dày, hoa mới to được như thế này".

Khí hậu và thổ nhưỡng của Mộc Châu rất phù hợp để cây đào phát triển. Nhiệt độ chênh lệch ngày đêm và sương mù vào mùa Đông giúp cho thân cây đào xù xì, rêu mốc, cổ kính. Đặc biệt hoa đào nở to và cánh hoa rất dày, rất được khách hàng dưới xuôi ưa chuộng,…

Với đặc điểm cánh to, hoa to, màu sắc tươi và lâu tàn, cây đào Mộc Châu luôn được tiểu thương và người dân đánh giá cao, ưu tiên lựa chọn, mua về để trang trí trong gia đình hoặc làm quà. Với mức giá từ vài trăm cho tới cả chục triệu đồng, cùng vô vàn mẫu mã, dáng, thế khác nhau, nên thị trường đào Tết năm nay ở Mộc Châu khá sôi động, phong phú.

dao-moc-chau-03-1706772476.jpg
Từ trồng đào, nhiều hộ đã thu nhập cả trăm triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán.

Anh Trần Minh Quang, thương lái từ Hà Nội cho biết, hàng năm cứ vào khoảng 15 đến 20, 25 tết chúng tôi lại lên Mộc Châu, lên Sơn La để để mua cành đào. Năm nay thời tiết đẹp nên cành đào cũng rất đẹp, nhiều đào thế, đào mốc; giá cả thì năm nay dự kiến sẽ tăng hơn mọi năm.

Từ nhu cầu chơi đào của người dân ngày càng lớn, các nhà vườn, người nông dân ở Mộc Châu đang hi vọng sẽ bán hết cây trước dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, những chuyến xe chở cây đào cứ thế nối tiếp nhau về mọi ngả, mang theo niềm tin và hi vọng về một năm mới may mắn, nhiều tài lộc./.

Bình Nguyên