Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán tăng. Giá gạo tăng bởi sau khi Indonesia thông báo sẽ mua nhiều hơn trong năm nay và Việt Nam sẽ là nguồn cung gạo chính cho thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông tin, sau tuyên bố của Tổng thống Indonesia Joko Widodo về việc nước này sẽ phải cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023 (ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay), Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia cũng tuyên bố xác nhận Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây.
Lãnh đạo Cơ quan hậu cần quốc gia - Preum Bulog (cơ quan được Chính phủ Indonesia chỉ định là đơn vị nhập khẩu gạo), cho biết, tất cả các giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các cơ quan hữu quan của nước này ban hành và việc nhập khẩu sẽ được thực hiện bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 605,4 nghìn tấn gạo, thu về 377,9 triệu USD, tăng nhẹ 3,8% về lượng nhưng lại tăng mạnh 37,3% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 9/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 166 nghìn tấn gạo sang thị trường Indonesia, đạt 101,4 triệu USD, gấp 53 lần so với tháng 9/2022. Trong khi, giá trị xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc lần lượt là 62,7 triệu USD và 43,7 triệu USD. Như vậy, Indonesia chính thức vượt qua Philippines và Trung Quốc, trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 9 vừa qua.
Tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 9 tháng năm 2023 đạt 884.177 tấn với giá trị 462 triệu USD, tăng 17,7 lần về lượng và 19,2 lần về giá.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, để tận dụng tối đa cơ hội này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần lưu ý hướng dẫn của Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia. Cụ thể, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường; đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, nhu cầu mua gạo trên thị trường vẫn nhiều, song nguồn gạo trong nước không còn nhiều do đã vào cuối vụ. Thế nên, doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới nếu chưa chuẩn bị được nguồn hàng.
Tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 615 - 625 USD/tấn, tăng từ mức 610 - 620 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân ở TP.HCM cho biết giá gạo tăng sau khi Indonesia thông báo sẽ mua nhiều hơn trong năm nay, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu đang giảm dần.
Cũng trong xu hướng tăng, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ mức 585 USD/tấn của tuần trước lên khoảng 580 - 600 USD/tấn. Mặc khác, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ đã kéo dài đà giảm trong tuần này, khi người mua có ý trì hoãn trước sự bất ổn liên quan đến một loại thuế xuất khẩu sẽ hết hạn cuối tuần này.