Miền Trung căng mình chống bão số 6, đóng cửa tạm sân bay và đề phòng nguy cơ lũ lụt

Trước diễn biến khẩn cấp của Cơn bão số 6, tại khu vực miền Trung, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo đóng cửa tạm bốn sân bay ở khu vực miền Trung trong một thời gian nhằm đối phó với ảnh hưởng của cơn bão. Theo dự báo đây là bão có hoàn lưu rộng, rất phức tạp và có thể thay đổi có nguy cơ gây mưa lớn và lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
phong-chong-bao-so-6-1-1729946436.jpg
Lực lượng chức năng được huy động hỗ trợ người dân Quảng Nam chằng chống nhà cửa trước giờ bão số 6 áp sát đất liền. (Ảnh QĐND)

Đóng cửa tạm thời 4 sân bay ở miền Trung do ảnh hưởng của bão

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Cảng Hàng không Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Chu Lai (Quảng Nam); Cảng vụ Hàng không miền Bắc và miền Trung về việc tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay do ảnh hưởng cơn bão Trami (cơn bão số 6).

Theo đó, căn cứ thông tin dự báo khí tượng hồi 10h ngày 26/10/2024 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Trung tâm khí tượng hàng không về ảnh hưởng của cơn bão số 6 có khả năng trực tiếp ảnh hưởng và uy hiếp an toàn khai thác tại một số cảng hàng không, sân bay.

Để bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài từ 6h đến 22h ngày 27/10/2024; tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng từ 6h ngày 27/10 đến 4h ngày 28/10/2024; tại Cảng Hàng không Đồng Hới từ 6h đến 19h ngày 27/10/2024; tại Cảng Hàng không Chu Lai từ 10h ngày 27/10 đến 10h ngày 28/10/2024.

dong-cua-san-bay-phong-chong-bao-1-1729946418.jpg
Máy bay tạm dừng khai thác và đỗ tại một cảng hàng không do ảnh hưởng của một cơn bão. (Ảnh Vietnam+)

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành và điều hành bay bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đối với Cảng vụ hàng không miền Bắc và miền Trung, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không theo quy định. Các cơ quan, đơn vị báo cáo ngay khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện về cục để kịp thời điều chỉnh kế hoạch khai thác tại các cảng hàng không cho phù hợp.

Bão số 6 rất phức tạp cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt

Thông tin về tình hình bão số 6, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết đây là bão có hoàn lưu rộng, rất phức tạp và có thể thay đổi.

Cùng với đó, bão gây gió mạnh, sóng lớn, khả năng xuất hiện nước dâng trên biển; lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Lúc 10h ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 510km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 14; chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 20 km/h.

Đến 10h ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20 km/h, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14.

Khu vực chịu ảnh hưởng phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 10h ngày 28/10, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, sau chuyển hướng Đông với tốc độ 5-10 km/h, trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.

Khu vực chịu ảnh hưởng phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 10h ngày 29/10, bão di chuyển theo hướng Đông với tốc độ 5 km/h, trên vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Khu vực chịu ảnh hưởng phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.

phong-chong-bao-so-6-3-1729946498.jpg
Nhiều tỉnh ven biển miền Trung đã thực hiện cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 10 giờ ngày 26/10. (Ảnh QĐND)

Do tác động của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117 km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m, biển động dữ dội.

Vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động dữ dội.

Từ sáng 27/10, ven biển từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.

Từ sáng 27/10, trên đất liền ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ chiều tối và đêm 26/10 đến đêm 28/10, khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm.

Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100 mm/3h. Khu vực Hà Tĩnh, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm./.

Bình Châu