Mấy suy nghĩ về tên đường phố

Vâng, tất nhiên đây là ý kiến của cá nhân tôi, một công dân, một người yêu quê hương. Mới đây tôi có dịp về thăm nhà ở làng Nha (hay còn gọi là thôn Nha) thuộc xã Long Biên, huyện Gia Lâm xưa (thành phố Hà Nội). Nay xã Long Biên đã đổi mới, hiện đại thành phường Long Biên, thuộc quận Long Biên. Làng Nha yêu dấu của tôi thành 4 tổ Dân phố số: 16, 19, 20 và 22.
dsc-1618-1669508041.JPG

Tuy nhiên tôi cho rằng, vẫn cần phải lưu giữ tên làng Nha, bằng cách đặt tên đường, hay phố Nha, như các phố: Trạm, Tử Đình, Thạch Cầu (tại các làng: Trạm, Tử Đình, Thạch Cầu cũ), thuộc phường Long Biên hiện nay. Và nhất là làng Nha, là một trong những làng cổ xưa có đường Nghè Quan cách; có chợ Nha Lịch sử sầm uất từ rất lâu đời.

Song, về làng Nha, tôi lại thấy có “đường Bát Khối” lạ hoắc. Tìm hiểu thì có người giải thích vì “đường Bát Khối” là đường liên tám khối ở địa phương. Nghe thật tù mù, chẳng rõ ràng. Vì nếu thế sao không đặt tên “đường Tám Khối” cho trong sáng tiếng Việt và không bị “lai”? Có người khác lại giải thích Bát Khối là “lấy tên tắt của hai làng: Bát Tràng và Thổ Khối”. Giả thuyết này cũng không thuyết phục do “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, vì hai làng này ở cách xa làng Nha từ 2-5 km.

Trong khi đó, nguyên tắc đặt tên đường phố rất khoa học theo Lịch sử và theo các nhân vật Lịch sử, hay các sự kiện gần với nhau, mang nhiều ý nghĩa Lịch sử, có tính Giáo dục cao… Thí dụ TP HCM có đại lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm (rất xứng đáng cho vị anh hùng Dân tộc Nguyễn Huệ). Hay đường mang tên Cao Thắng, một chuyên gia làm vũ khí chống Thực dân Pháp; được đặt gần hai đường mang tên hai nhà Kháng chiến: Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng.

Trở lại “đường Bát Khối” nêu ở phần đầu có phần lạc lõng, “vô duyên”. Thế nên, kiến nghị cơ quan chức năng thành phố Hà Nội nên quan tâm, xem xét, cần đổi tên đoạn đường Bát Khối tại địa phận làng Nha thành đường Nha? Âu cũng là để góp phần tôn trọng Lịch sử không thể xóa tên làng Nha, một trong những làng cổ xưa ở Hà Nội Văn Hiến nghìn năm./.

Nguyễn Thành Lập