Máy sấy lúa non của 'nhà khoa học chân đất'

Chiếc máy đầu tiên của Việt Nam dùng để sấy cây lúa non xuất khẩu thuộc về một thợ cơ khí, ông Đặng Ngọc Toàn - Hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, sinh hoạt tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
20-4971-1657328726.jpg
Khách tham quan mô hình sấy lúa non.

Thay thế máy nhập khẩu

Cây lúa non sấy được xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ. Để có sản phẩm, người dân huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn (Ninh Bình) trước đây phải nhập máy sấy từ Nhật Bản.

Quá trình sử dụng máy, nhiều người nhận thấy công năng cũng như bộ cảm biến tự động không phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu Việt Nam. Trong khi đó giá thành cao và khi máy hỏng hóc lại phải mời chuyên gia Nhật Bản sang sửa chữa.

Bất cập là khi cây lúa non đã đến thời điểm thu hoạch mà máy sấy bị hỏng, chuyên gia không thể sang ngay để sửa chữa, gây thiệt hại lớn cho bà con và doanh nghiệp.

Trước những bất cập trên, ông Đặng Ngọc Toàn đã tự nghiên cứu, học hỏi và chế tạo thành công máy sấy cây lúa non. Chiếc máy đáp ứng được mọi yêu cầu do chuyên gia của Trung tâm Thương mại Nhật Bản đề ra. Điều đặc biệt là máy giảm thời gian sấy từ 12 giờ xuống 8 - 9 giờ; Tiết kiệm được chất đốt, nhân công.

Máy gồm 2 buồng sấy lúa non, 1 động cơ có công suất 5.5Kw, 3 quạt gió, 1 lò nhiệt, 2 hệ thống đường dẫn nhiệt hình vuông kích thước 30x30cm. Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ nóng dần đều và duy trì được nhiệt độ trong buồng sấy luôn từ 35 độ C đến 38 độ C để cây lúa khô nhưng vẫn giữ được màu xanh, thân cây cứng. Máy được thiết kế chuẩn xác, đồng tâm và cân đối nên chạy rất êm, không gây ồn, không có chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Đây là máy sấy lúa non đầu tiên ở nước ta, có thể sấy được tất cả các loại nông sản khác. Với giá thành chỉ bằng 1/7 so với nhập khẩu từ Nhật Bản, máy giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm đầu ra. Máy lại rất dễ sửa chữa, vật liệu dễ kiếm tìm, dễ tháo lắp, vận hành phù hợp với khí hậu nước ta, triển khai được ngay so với trình độ và thị trường vật tư trong nước…

Về hiệu quả xã hội, chiếc máy sấy này giúp tạo ra nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao đời sống người trồng lúa (thu nhập tăng gấp 3 lần so với trồng lúa thông thường); góp phần cơ khí hóa nông nghiệp nông thôn. Giải quyết được việc làm cho vài ngàn lao động lúc nông nhàn. Máy có giá 80 triệu đồng/1 bộ; hiện được sử dụng ở Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình.

Cựu chiến binh nhiều sáng kiến

Ông Đặng Ngọc Toàn vốn là công nhân Xí nghiệp cơ điện Ninh Bình. Năm 1972, ông tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Ông đã có mặt trong những trận đánh ác liệt ở chiến trường Bình Trị Thiên và không may bị thương.

Năm 1976, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ trở về địa phương với mức thương binh hạng 4/4, ông Toàn vào làm việc tại Xí nghiệp cơ khí Khánh Ngọc. Vài năm sau, do sức khỏe yếu, không đảm đương được công việc tại xí nghiệp, ông chủ động xin nghỉ về mở xưởng cơ khí tại nhà.

Lúc đầu, với kiến thức của người thợ cơ khí, ông Toàn chỉ sửa chữa các loại máy nông nghiệp thông thường, “mắc bệnh” đơn giản. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và dành thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, ông Toàn đã chế tạo và sản xuất thành công nhiều sản phẩm như máy xay xát, máy cày, máy bơm nước, máy sấy cói… Không chỉ tự chế tạo các loại máy móc, ông Toàn còn nhận đặt hàng theo yêu cầu mô tả của khách hàng.

Ông từng nổi tiếng vì đã tự chế tạo thành công quạt gió công suất lớn, phục vụ cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn, có thể đúc từ 4 - 10 tấn đồng trên một mẻ, rất hiệu quả cho việc đúc các tượng đài có khối lượng lớn một cách dễ dàng. Một thời gian dài, sản phẩm này được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở đúc đồng có công suất lớn ở Việt Nam, nhất là trên địa bàn huyện ý Yên, tỉnh Nam Định.

Sản phẩm “Quạt gió cho công nghệ đúc sản phẩm kim loại khối lượng lớn” của ông Đặng Ngọc Toàn đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình giới thiệu tham gia Giải thưởng sáng tạo Khoa học, công nghệ Việt Nam năm 2012. Hiện, ông Toàn là chủ doanh nghiệp cơ khí tại địa phương với hơn chục lao động.

Với công việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, ông dự định đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất thêm nhiều dụng cụ phục vụ nông nghiệp như máy làm đất, máy cày, máy bơm… loại nhỏ, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của nông dân tại địa phương.

Ở tuổi 74, ông Đặng Ngọc Toàn vừa nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt hạng mục Khuyến học - Tự học với đề tài sản phẩm máy sấy cây lúa non xuất khẩu. Hệ thống giải thưởng Khuyến học - Tự học thành tài nhằm vinh danh những nhà khoa học “chân đất”, tự học thành tài, không qua trường lớp.