Cuộc đấu trí của mạng xã hội Twitter và tỷ phú Elon Musk

Twitter đã có động thái sử dụng một thứ gọi là “viên thuốc độc” - một biện pháp phòng vệ nhằm chống hành động thâu tóm thù địch công ty - nhằm ngăn ngừa CEO Tesla Elon Musk nâng cổ phần của mình lên trên mức 15%, qua đó chặn việc ông Musk mua lại Twitter. 

Cách đây không lâu, ông Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới vừa trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter sau khi mua lại khoảng 9,2% cổ phần mạng xã hội này, nhưng sau đó đã bị vượt mặt bởi một cổ đông khác là Vanguard Group. 

Theo đó, mạng xã hội Twitter sử dụng một thứ được gọi là “Viên thuốc độc” - một tên gọi khác của kế hoạch quyền cổ đông (shareholder rights plan) đây là biện pháp ngăn một cổ đông tăng cổ phần lên quá mức giới hạn nhất định, thông qua việc cho phép các cổ đông khác mua thêm cổ phiếu với giá thấp hơn. Biện pháp này thường được các doanh nghiệp sử dụng để phòng vệ trước kế hoạch thâu tóm thù địch hoặc có thêm thời gian xem xét lựa chọn. 

Tuyên bố của Twitter cho biết kế hoạch này không ngăn công ty tham gia đàm phán với các bên khác có ý định mua lại hoặc chấp nhận đề nghị thâu tóm nếu hội đồng quản trị cho rằng quyết định đó đem lại lợi ích lớn nhất cho các cổ đông. 

Nhà báo Paul Harloff thuộc hãng tin Associated Press (Mỹ) nhận định: "Thị trường chứng khoán và ngay cả những người không tham gia thị trường cũng đều đang theo dõi sát sao vở kịch giữa Elon Musk và Twitter. Hai tuần trước, Elon Musk thông báo sở hữu 9% cổ phiếu Twitter. Vậy mà tuần này đã thông báo muốn mua hết công ty này. Twitter đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tự vệ, tức là "viên thuốc độc", để ngăn cản Elon Musk mua lại công ty hoặc ít nhất là làm chậm lại đà tấn công của ông ta".

Được biết, nguyên liệu của mỗi "viên thuốc độc" là khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích "pha loãng" cổ phiếu của bên có ý định thâu tóm. Theo đó sẽ tạo điều kiện cho hội đồng quản trị "đổ ngập" thị trường bằng các cổ phiếu mới được tạo ra, khiến việc mua lại công ty trở nên đắt đỏ đến mức vượt khả năng của người muốn mua. Từ những năm 1980, chiến lược này đã trở nên phổ biến khi các công ty đại chúng bị các tài phiệt ráo riết tìm cách mua lại.

14musk-briefing-1pm-facebookjumbo-1650102412.jpeg
Ông Elon Musk, CEO của Telas - hiện là tỷ phú giàu nhất thế giới.

Ngoài ông Elon Musk, một số công ty quản lý đầu tư khác như Thoma Bravo LP cũng được đồn đoán đang muốn tiếp cận Twitter với đề nghị mua lại.

Hiện Twitter vẫn chưa công bố toàn bộ thông tin về "viên thuốc độc" mà mình sẽ dùng để đối phó với tỷ phú Elon Musk. Tuy nhiên, khi một cổ đông bắt đầu tập hợp được 15% số cổ phần trở lên, kế hoạch phản kháng "viên thuốc độc" của Twitter sẽ được triển khai. Hiện Elon Musk mới sở hữu khoảng 9% số cổ phần của Twitter.

Có khả năng Twitter sẽ từ chối đề nghị của CEO Tesla với lý do cái giá đưa ra (43 tỷ USD, tương ứng mức giá 54,20 USD/cổ phiếu) là quá thấp, nhưng để ngỏ khả năng đưa ra đề nghị cao hơn.

Phía ông Elon Musk cũng đã nói rằng sẽ xem xét lại vị thế cổ đông Twitter nếu đề nghị không được chấp nhận, đồng thời chuẩn bị sẵn kế hoạch B. 

Một câu hỏi được các chuyên gia đặt ra là việc ông Musk sẽ lấy tiền từ đâu để mua lại Twitter. Tuy nắm giữ vị trí người giàu nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, phần lớn tài sản của CEO Elon Musk gắn với cổ phần tại Tesla.

Đề nghị mua lại Twitter của ông Musk cũng không đề cập chi tiết đến khía cạnh tài chính. Tuy nhiên, giới chuyên gia và đầu tư cho rằng nhiều tỷ phú vẫn sẵn sàng góp tiền cùng ông Elon Musk trong thương vụ này nếu thấy phù hợp.

Phương Ly (t/h)