Malaysia nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất vaccine

Ngày 1/11, Thủ tướng Malaysia (Ma-lai-xi-a) Ismail Sabri Yaakob đã giới thiệu Lộ trình phát triển vaccine quốc gia (PPVN) và đổi tên Viện nghiên cứu gen Malaysia thành Viện nghiên cứu gen và vaccine Malaysia (MGVI) nhằm nỗ lực đưa nước này trở thành trung tâm vaccine cũng như tăng cường niềm tin của người dân đối với việc sử dụng vaccine.
c2f52sopkrkobpvxjt2weaxlam-3201-1627618254-1635762037.jpg
Malaysia nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất vaccine

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Ismail Sabri cho rằng PPVN và MGVI sẽ mở đường cho Malaysia sản xuất các loại vaccine chất lượng cao, hiệu quả và an toàn, phù hợp với các quy định của Cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia (NPRA). PPVN và MGVI đồng thời sẽ giúp đất nước đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là liên quan đến y tế và vaccine.
Theo Thủ tướng Ismail Sabri, tuy việc nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine đòi hỏi đầu tư cao, nhưng lại có tiềm năng mang lại lợi nhuận lâu dài cho Malaysia thông qua tiết kiệm chi phí điều trị bệnh. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển vaccine cũng giúp Malaysia thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia.
Ông Ismail cho biết thêm PPVN không chỉ tập trung vào nghiên cứu phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19, mà còn mở rộng sang vaccine cho các bệnh khác, bao gồm cả vaccine cho bệnh ung thư đầu và cổ. Hiện nay có ba dự án đã sẵn sàng thực hiện thông qua PPVN.
Dự án thứ nhất được phân bổ 3,5 triệu ringgit (hơn 840.000 USD), liên quan tới việc sản xuất hai loại vaccine COVID-19 (bất hoạt và mRNA), do Viện nghiên cứu y tế (IMR) thực hiện. Dự án thứ hai được cấp 10,5 triệu ringgit bởi Bộ Khoa học, Công nghệ và sáng tạo Malaysia (MOISTI), do Đại học Sains Malaysia (USMO) phối hợp với Viện Y dược, Khoa học và công nghệ (AIMST) thực hiện nhằm nghiên cứu phát triển vaccine dạng uống, thẩm thấu qua niêm mạc chống lại bệnh tả, lao và COVID-19. Dự án thứ ba được tài trợ 3 triệu ringgit bởi MOISTI, do Trung tâm Nghiên cứu ung thư Malaysia (CRM) thực hiện nhằm đánh giá tiền lâm sàng đối với vaccine chữa ung thư đầu và cổ. Do hiện nay ở Malaysia chưa có cơ sở nào tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người cho nên, CRM sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng từ tháng 2/2022 tới 3/2023 ở Vương quốc Anh.