Luận bàn về vai trò của văn minh thương mại

Ngành thương mại Việt Nam ngày càng phát triển, tuy nhiên, ở góc nhìn về văn minh thương mại vẫn còn tồn tại một số khiếm khuyết. Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đăng tải bài viết của Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú luận bàn về văn minh thương mại.

Đất nước chúng ta đã qua hơn 30 năm đổi mới, cả một chặng đường dài phát triển kinh tế, góp phần ổn định xã hội và đời sống của nhân dân, bộ mặt đất nước nói chung và thương mại nội địa nói riêng đã có nhiều sự phát triển vượt bậc đáng ghi nhận.

Thương mại phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất dồi dào hơn, chất lượng hơn và phục vụ tiêu dùng xã hội an toàn hơn, văn minh hơn. Đi đôi với thay đổi về lượng, thì trong hoạt động của ngành đã có nhiều tiến bộ về chất.

Xây dựng văn minh thương mại từ những điều nhỏ

Thương mại Việt Nam đã từng bước phát triển nằm ở top đầu ở khu vực các nước Đông Nam Á. Cả nước hiện nay có 1.250 siêu thị, 270 Trung tâm thương mại (TTTM), khoảng 4.000 của hàng tự chọn, siêu thị mini, gần 9000 chợ các loại và hàng triệu của hàng tạp hóa.

Thương mại nội địa có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, góp phần làm cho bộ mặt của ngành ngày càng sáng sủa hơn, tạo niềm tin cho khách hàng gần xa.

Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng thêm gay gắt, quyết liệt hơn. Nếu cá nhân, tổ chức nào, doanh nghiệp nào nắm bắt được thời cơ kinh doanh, tổ chức thị trường một cách bài bản, khoa học, năng suất lao động ngày càng nâng cao, trình độ phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, văn minh thì sẽ tạo được niềm tin lâu dài trong con mắt của mỗi khách hàng.

Kinh doanh ngày nay đã bước sang giai đoạn mới, vừa bán hàng trực tiếp, vừa bán hàng online, chính vì vậy các doanh nghiệp cần tự giác chuyển đổi nhanh và mạnh mẽ cho phù hợp với yêu cầu mới. Điều quan trọng là phải tạo niềm tin cho khách hàng kể cả khách mua và khách hàng bán, bởi mất niềm tin là mất tất cả.

Niềm tin của khách hàng được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, tính chuyến nghiệp, nắm bắt kịp thời nhu cầu tiêu dùng, luôn luôn đổi mới cả hàng hóa và cung cách phục vụ, ... Điều đó đều nằm trong phạm trù văn minh thương mại.

4888348-cuahang5-1657504177.jpg
Văn minh thương mại không phải chỉ là những gì to tát, mà nó phải được gây dựng từ những biểu hiện nhỏ nhất trong quá trình giao dịch với khách hàng. Ảnh minh họa.

Thực tế hiện nay, văn minh thương mại đã được quan tâm đầy đủ hơn, làm cho khách hàng hài lòng hơn, thương hiệu của đơn vị bán lẻ qua thời gian đã được ghi nhận. Tuy nhiên, quan sát kĩ, quan sát rộng hơn, sâu hơn chúng ta nhận thấy còn bộc lộ những khiếm khuyết trong lĩnh vực thương mại ở thị trường Việt.

Văn minh thương mại không phải chỉ là những gì to tát, mà nó phải được gây dựng từ những biểu hiện nhỏ nhất trong quá trình giao dịch với khách hàng. bởi chỉ trong một ê kíp bán hàng của một siêu thị nếu vắng đi những lời cảm ơn chân thành. Hoặc việc trả lại tiền lẻ một cách thiếu tế nhị ở quầy thanh toán của một số đơn vị cũng dễ bị “mất điểm” trong mắt khách hàng.

Ngoài ra, còn một số biểu hiện khác như: Giải quyết, khiếu nại về hàng hóa quá chậm trễ, thiếu khách quan, thiếu trách nhiệm của một số đơn vị, ... cũng đem lại những yếu tố thiếu văn minh của những đơn vị phục vụ, làm tổn thương dù là những cái nhỏ nhất với khách hàng.

Một hiện tượng nữa cũng không phải là cá biệt đó là chất lượng những sản phẩm được chế biến, đóng gói sẵn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bà nội trợ, tuy nhiên chính những màng nilon phủ kín ở những khay xốp đã ngăn cách sự kiểm tra tại chỗ chất lượng của những mặt hàng đó.

“Thượng đế” không được bóc ra để quyết định mua, nếu mua phải hàng kém phẩm chất khi về nhà mới mở thì rất khó để gặp gỡ khiếu nại với các siêu thị, dân chủ văn minh trong mua bán đã không được thực hiện trọn vẹn.

Đó là những nét “chấm phá” ở kênh thương mại hiện đại, còn ở kênh truyền thống thì sao: Mặc dù nhiều năm nay các thành phố, thị trấn, ... có nhiều cố gắng để đầu tư cho các chợ, kể cả một số chợ đầu mối. Tuy nhiên, không khó để tìm thấy  những khiếm khuyết của kênh truyền thống này đó là việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nguồn gốc hàng hóa vào chợ rất phức tạp, khó quản lý bởi buôn bán không có sổ sách chứng từ đầy đủ.

Mua bán ở chợ chủ yếu là thân quen, đa số là người thu nhập trung bình thấp, cho nên việc lựa chọn để mua hàng khá đơn giản, nhiều lúc bỏ qua cả những tiêu chuẩn về chất lượng và văn minh thương mại.

Trên đây là những mặt biểu hiện chưa được chỉnh sửa, uốn nắn đầy đủ tại khâu bán hàng ở chợ và các siêu thị. Vậy những yếu điểm của văn minh thương mại còn thể hiện ở những khâu nào khác?

Những yếu điểm của văn minh thương mại

Rõ nét nhất là việc quan hệ giao dịch gửi hàng vào các siêu thị, TTTM nhất là một số đơn vị bán lẻ có doanh số lớn, có thương hiệu, luôn luôn có thế mạnh khi đàm phán với các nhà cung ứng. Trong thực tế bất kì nhà cung ứng nào cũng đều muốn sản phẩm của mình đứng trên kệ các siêu thị đó.

Ở đó thương hiệu hàng hóa sẽ được chú ý và nâng cao hơn, mặc dù con đường đi đến đích rất nhiều gian truân như: Mức chiết khấu cao, hơn cả lợi nhuận của người sản xuất, nhất là các hợp tác xã, nông dân có các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, còn các chi phí khó nói khác, họ vẫn phải “vui vẻ” chấp nhận mặc dù kết thức đợt bán hàng có khi chỉ bán hòa vốn hoặc lỗ. Tệ chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến ở các siêu thị trên, ít nhất 20 ngày thậm chí cả tháng họ mới được thanh toán mặc dù hàng đã bán hết từ lâu, ... Những tiếng than vãn, những tiếng kêu hoặc không dám kêu, không dám lên tiếng vẫn âm thầm diễn ra nhiều năm nay chưa được giải quyết.

Văn minh thương mại ở một số siêu thị này được biểu hiện một cách công khai hoặc tế nhị trong cung cách đối xử với người gửi hàng, người hỗ trợ đắc lực để các siêu thị có doanh số, lợi nhuận một cách tối đa, sự thua thiệt, lép vế bất bình đẳng hầu như đều thuộc về kẻ yếu.

Điểm qua những nét cơ bản về văn minh thương mại bán lẻ ở các tỉnh thành phố trong cả nước cho chúng ta thấy rõ mặc dù những yếu điểm trên chưa phải là phổ biến, nhưng những hiện tượng chưa đẹp trên cũng không phải là cá biệt.

Những hiện tượng, hành động đối xử thiếu văn minh như kể trên là sự thật đã được các chuyên gia, phóng viên báo chí, người trong cuộc phản ảnh đến các cấp, các ngành nhiều lần, nhiều năm.

Tuy nhiên, điều rất khó hiểu là trên thực tế cả cơ quan bộ công thương, cục quản lý cạnh tranh, hiệp hội bán lẻ, Sở Công Thương các địa phương mặc dù biết rất rõ, nhưng ít khi phản đối, chia sẻ, làm trọng tài cho những hiện tượng kém văn minh này, thậm chí một lãnh đạo cơ quan Bộ Công thương còn nói công khai tại một hội nghị liên kết hàng hóa là: “Bây giờ là cơ chế thị trường, vì vậy chúng tôi không can thiệp được” Đó là 1 phản ứng tức thời những không chính xác, sai với tinh thần chỉ đạo  của chính phủ: “Lợi nhuận hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Mặt khác, chúng ta hiểu rất rõ là: Việt Nam vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của nhà nước, không thể buông lỏng hệ thống phân phối khi nó còn khá nhiều khuyết tật cần uốn nắn kịp thời, để đưa hoạt động buôn bán ở thị trường nội địa đi vào nề nếp hơn, văn minh hơn.

Mọi tổ chức cá nhân kinh doanh sản xuất trên thị trường đều bình đẳng, có quyền lợi ngang nhau, phát triển nhanh, bền vững bằng năng lực tự thân của mình chứ không phải bằng những hiện tượng làm ăn chưa được văn minh lắm, lấy thế mạnh để chèn ép những lực lượng yếu thế đang bị phụ thuộc vào một số hệ thống bán lẻ hiện đại còn mang những dáng dấp độc quyền bán và mua trên thị trường hiện nay.

Đứng trước thực trạng trên, một mặt các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành công thương ở Trung ương và ở các địa phương cần quan tâm và khách quan hơn trong việc uốn nắn, xử lý những hiện tượng nêu trên.

Cơ quan quản lý cạnh tranh các cấp, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội bán lẻ cần có lập trường rõ ràng, phê phán mạnh mẽ những việc làm sai trái để góp phần khắc phục triệt để những biểu hiện thiếu văn minh thương mại trên ở tất cả các kênh bán lẻ.

Các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa cho hệ thóng bán lẻ nói chung, một mặt cần tiếp tục ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng hàng hóa để có thể đàng hoàng đàm phán bình đẳng công khai với các tiêu thương ở chợ cũng như các phòng nghiệp vụ tại các siêu thị. Mạnh dạn góp ý chân thành đúng mức để hệ thống bán lẻ tự giác sửa chữa những khiếm khuyết của mình.

Các Phóng viên báo chí, luật sư, các chuyên gia, các nhà quản lý và hoạch định chính sách góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển thương mại theo hướng văn minh hiện đại. Cần lên tiếng phản biện góp ý kịp thời với những hiện tượng hành động thiếu văn minh trên thị trường đang hàng ngày diễn ra. Góp phần đưa bộ mặt phục vụ của một ngành kinh tế quan trọng này lên một tầm cao mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Đưa thương mại trở thành ngành kinh tế đi đầu trong việc thực hiện văn minh thương mại trên các hệ thống bán lẻ trong cả nước, xây dựng niềm tin và thương hiệu vững chắc ở từng đơn vị bán lẻ, ở các kênh truyền thống cũng như hiện đại góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương và trong cả nước.

Điều quan trọng là chúng ta nhận thức đúng vấn đề, tầm quan trọng của văn minh thương mại để đề ra những chính sách quản lý phù hợp, khuyến khích những tổ chức và cá nhân làm ăn tử tế, có văn hóa, ứng xử văn minh. Phê bình, thậm chí xử lý những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quan trọng này.

Chúng ta tin trưởng rằng trong tương lai không xa, thương mại cùng các ngành kinh tế khác chắc chắn sẽ xây dựng một nề nếp văn minh hiện đại góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ đắc lực cho tiêu dùng xã hội tron năm 2022 và những năm tiếp theo.

Vũ Vinh Phú - Chuyên gia Kinh tế