Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và có đường biên giới dài 133 km với Campuchia, tỉnh Long An là nút giao thông quan trọng trong việc giao thương hàng hóa và thu hút nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
Điểm đến hấp dẫn trên bản đồ đầu tư
Bằng nhiều chính sách hợp lý, cùng với chiến lược thu hút đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong những năm qua đã giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Có thể thấy, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp của Long An đều tập trung ở những vị trí thuận lợi về đường bộ và đường thuỷ, phân bố hợp lý, trong đó việc tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh là một trong những vị trí thuận lợi. Môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư. Địa phương luôn quan tâm, tạo điều thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Mặc dù nằm trong tâm dịch của cả nước, nhưng vừa qua, kinh tế Long An vẫn tăng trưởng dương. Các DN trong khu công nghiệp vẫn đóng góp vào ngân sách của nhà nước hơn 5.100 tỷ đồng, qua đó cũng giải quyết việc làm cho trên 176.000 lao động.
Trong năm 2021, Long An thu hút đầu tư nước ngoài hơn 3,8 tỉ USD, đứng thứ nhì cả nước. Gần đây tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số nhà đầu tư nước ngoài chỉ trong vòng 1 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nổi bật như dự án của Công ty TNHH Lotte Eco Logis Long An (vốn đầu tư của Hàn Quốc) diện tích 79.142 m2, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 306 tỉ đồng, tương đương trên 13 triệu USD. Dự án đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát CocaCola với tổng vốn hơn 136 triệu USD (tương đương hơn 3.109 tỉ đồng) vào Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức.
Đặc biệt, tỉnh triển khai thực hiện cấp chứng nhận đầu tư trong các khu công nghiệp chỉ 1 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ; Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ DN mà Trung ương đã quy định. Tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông để từ đó tạo ra điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư tốt hơn.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Long An là địa phương có tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú (cảnh quan, khí hậu, sinh thái, sông, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, nghề truyền thống...), trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt, tiêu biểu là cảnh quan và đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười, cảnh quan sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây).
Trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật đa dạng với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Lâm viên Thanh niên… Đây là các điểm du lịch, nghiên cứu hấp dẫn du khách khi kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về.
Đặc biệt, đôi dòng Vàm Cỏ đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm, nhiều bài ca đi vào lòng người, với chế độ thủy triều hiền hòa, cảnh quang hai bên bờ sông xinh đẹp cùng với di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống nổi bật, thuận lợi để phát triển du lịch đường sông.
Bên cạnh đó, Long An còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như: Khu di tích lịch sử Cách mạng Long An (Đức Huệ), Khu di tích ngã tư Đức Hòa, Khu phế tích kiến trúc khảo cổ Bình Tả, Chùa Tôn Thạnh, Chùa Phước Lâm, Chùa nổi Cổ Sơn Tự, Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, Nhà Trăm Cột...; các làng nghề như làng nghề nấu rượu Gò Đen (Bến Lức), nghề làm trống Bình An (Tân Trụ), nghề chạm gỗ ở huyện Cần Đước và Bến Lức, nghề kim hoàn Phước Vân (Cần Đước)... Đây là lợi thế quan trọng tạo nên tiền đề cho việc hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần đẩy mạnh sự phát triển du lịch Long An trong những năm tới.
Với nhiều điểm sáng thời gian gần gây đã phần nào phản ánh sức thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Long An. Bên cạnh một số thương hiệu lớn như Sapporo, Vina Eco Board, Kyodo Sojitz , Songwol Vina, Tập đoàn Nutreco, Tập đoàn Huafu, Chingu,…sự phát triển của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ tạo nên thế mạnh cho các khu công nghiệp của tỉnh Long An. Góp phần giúp Long An tiếp tục giữ vị dẫn đầu khu vực ĐBSCL cũng như có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.