Long An: 30/125 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại

Theo Sở Công Thương Long An, đến thời điểm này có hơn 30/125 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã hoạt động. Qua kiểm tra một số chợ truyền thống đã hoạt động trở lại, các địa phương cơ bản thực hiện hiệu quả việc đánh giá nguy cơ và kiểm soát dịch bệnh cũng như có các phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Nhiều tiểu thương dù đã tiêm vaccine và xét nghiệm nhưng còn dè dặt trong việc mở bán trở lại. Đa số tiểu thương phản ánh sức mua khá thấp, chỉ đạt 20 - 40% so với thời điểm không có dịch.

Tạo thuận lợi cho hoạt động trở lại của các chợ truyền thống trong tình hình mới, ngày 8/10,  Sở Công Thương Long An đến khảo sát, nắm tình hình hoạt động tại các chợ thuộc huyện Tân Thạnh và Thạnh Hóa.

vna-potal-30125-cho-truyen-thong-tren-dia-ban-tinh-long-an-da-hoat-dong-tro-lai-5707623-1633708171.jpg
Sở Công Thương Long An đến kiểm tra tình hình tại các chợ

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Thạnh cho biết, huyện có 7 chợ truyền thống gồm các chợ Tân Thạnh, Tân Lập, Hậu Thạnh Đông, Bắc Hòa, Nhơn Ninh, Tân Ninh, Tân Thành; trong đó, chợ Tân Thạnh là chợ loại 2, còn lại là chợ loại 3. Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ này là 600 tiểu thương. Ngày 12/7/2021, huyện Tân Thạnh tạm dừng hoạt động chợ truyền thống nhằm đảm bảo việc phòng chống dịch COVID-19. Ngày 4/10/2021, huyện cho phép các chợ truyền thống hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. 

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh Lê Minh Tuấn thông tin, chợ Tân Thạnh có 350 tiểu thương, đến thời điểm này có khoảng 30% tiểu thương quay trở lại buôn bán. Dù được hoạt động trở lại nhưng tình hình mua bán còn hạn chế do tiểu thương còn e ngại dịch. Bên cạnh đó, lượng người dân đi chợ còn rất hạn chế, từ khi mở cửa trở lại ngày 5/10 đến nay, lượng người mua bán chỉ bằng khoảng 30% thời gian trước.  

Trước khi chợ mở cửa hoạt động trở lại, UBND thị trấn Tân Thạnh chỉ đạo Ban quản lý chợ phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên chợ, tiến hành giăng dây, phân lô, các tiểu thương phải xét nghiệm sàng lọc 100% mới được vào bán… 

vna-potal-30125-cho-truyen-thong-tren-dia-ban-tinh-long-an-da-hoat-dong-tro-lai-5707619-1633708221.jpg
Nhiều chợ trên địa bàn thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh

Chợ cũng tổ chức 1 nơi tập trung nhập hàng hóa, nếu như trước đây xe bỏ hàng vào trực tiếp các quầy hàng trong chợ thì hiện nay tập trung tại 1 điểm ở đầu chợ, sau khi khử khuẩn sẽ sử dụng xe nhỏ vận chuyển hàng vào trong chợ. Đồng thời, Ban quản lý chợ cũng kiểm tra nghiêm ngặt “thẻ xanh”, “thẻ vàng” của các tài xế. Về tiêm vaccine, ông Lê Minh Tuấn cho biết hiện nay thị trấn Tân Thạnh có hơn 99% người dân trên 18 tuổi đã tiêm vaccine mũi 1, và đang lần lượt tiêm trả mũi 2.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thạnh Hóa cho biết, đơn vị đã thẩm định đạt các yêu cầu về phòng chống dịch và đưa vào hoạt động các mặt hàng lương thực, thực phẩm và bách hóa tổng hợp trên địa bàn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua giảm đáng kể, hàng hóa chưa đa dạng phong phú như trước, nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khi chợ hoạt động trở lại, Ban quản lý các chợ có giải pháp kiểm soát tốt người ra vào chợ, kiểm soát mật độ, tần suất người mua bán; tổ chức mua bán theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm giãn cách giữa các tiểu thương và khách mua hàng… 100% người làm việc tại chợ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, 100% hộ kinh doanh đã ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ. 

Giám đốc Sở Công Thương Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: "Long An đã xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế xã hội sau thời gian phòng chống dịch; trong đó có ngành thương mại dịch vụ, chủ trương là cho mở lại tất cả các hoạt động dịch vụ. Đến thời điểm này, hoạt động chợ truyền thống đã cho mở lại tất cả các ngành hàng, sắp tới tùy tình hình dịch và căn cứ tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân, các dịch vụ ăn uống sẽ được mở cửa phục vụ tại chỗ"./.