Những sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng qua, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đạt gần 36,3 tỷ USD (tăng 13% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, đến nay đã có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), những tháng vừa qua, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt thị trường xuất khẩu có nhiều biến động do lạm phát xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, tỷ giá Euro/USD giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn tăng mạnh với thặng dư thương mại 7 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) đã được khống chế đà tăng giá, giá một số đầu vào giảm nhẹ; nhu cầu tiêu dùng hàng NLTS trên thế giới tăng.

Nhờ vậy, sản xuất Nông, lâm và thủy sản (NLTS) tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu NLTS tăng mạnh với thặng dư thương mại 8 tháng tăng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021 với 7 nhóm sản phẩm giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.

7 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Theo Bộ NN-PTNT, 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu NLTS ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất siêu trên 6,3 tỷ USD, tăng 94,6% so với cùn kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước gần 4,4 tỷ USD, tăng 32,0% so với tháng 8/2021, tăng 0,3% so với tháng 7/2022. Trong đó, nhóm nông sản chính trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,4 tỷ USD, thủy sản 893,8 triệu USD và chăn nuôi 41,6 triệu USD…

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%; chăn nuôi 258,6 triệu USD, giảm 12,2%; đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 48,2%.

Đặc biệt, 8 tháng đầu năm, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).

xuat-khau-7-loai-nong-san-652022-80d93-1662280638.jpg
Ảnh minh họa.

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê trên 2,8 tỷ USD (tăng 40,3%); cao su trên 2 tỷ USD (tăng 8,1%); gạo trên 2,3 tỷ USD (tăng 8,1%); hồ tiêu khoảng 712 triệu USD (tăng 8,2%); sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD (tăng 22,5%), cá tra trên 1,7 tỷ USD (tăng 82,6%), tôm gần 3,0 tỷ USD (tăng 22,0%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 11,0 tỷ USD (tăng 6,5%); mây, tre, cói thảm 592 triệu USD (tăng 1,8%), phân bón các loại 780 triệu USD (tăng 163,6%); thức ăn gia súc và nguyên liệu 770 triệu USD (tăng 10,3%). 

Những mặt hàng giảm gồm: Nhóm hàng rau quả gần 2,2 tỷ USD (giảm 13,9%), hạt điều gần 2,1 tỷ USD (giảm 10,4%), sản phẩm chăn nuôi 258,6 triệu USD (giảm 12,3%); dù giá trị XK nhóm gỗ và SP gỗ tăng 6,5% nhưng giá trị XK của sản phẩm gỗ lại giảm 3,4% với giá trị trên 7,7 tỷ USD.

Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước như: Phân bón các loại giá bình quân khoảng 639 USD/T, tăng 79,3%; hạt tiêu khoảng 4.434 USD/T, tăng 33,3%; cà phê khoảng 2.268 USD/T, tăng 21,7%,…

Riêng giá XK bình quân gạo (487 USD/T) và hạt điều (5.972 USD/T) giảm lần lượt 8,8% và 3,1%.

Ngành nông nghiệp cho hay, thị trường chính xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022 chủ yếu là khu vực châu Á (chiếm 43,1% thị phần), châu Mỹ (28,9%), châu Âu (11,8%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,6%).

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 9,6 tỷ USD (chiếm 26,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD (chiếm 7,4%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Về nhập khẩu, tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng NLTS ước trên 29,9 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 18,3 tỷ USD, tăng 1,1%; nhóm hàng thủy sản ước trên 1,9 tỷ USD, tăng 37,5%; nhóm lâm sản chính trên 2,2 tỷ USD, tăng 3,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi gần 2,1 tỷ USD, giảm 10,8%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 5,4 tỷ USD, tăng 12,0%.

“Trước những khó khăn về thị trường, Bộ đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông”, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Bộ NN-PTNT nhận định: Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với thời điểm đầu năm. Thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.

Thị trường trong nước các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ dịp lễ Rằm Trung thu. Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây…).

“Thời tiết tháng 9 diễn biến bất thường, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bùng phát, ảnh hưởng đến sản xuất nông sản…”, Bộ NN-PTNT đánh giá.

Sản xuất nông nghiệp ổn định ở các lĩnh vực

Bộ NN-PTNT thông tin, trong tháng 8, các địa phương tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa Mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ Hè thu.

Trước những khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp (cày, xới, thu hoạch) tăng và khan hiếm lao động, Trung Quốc kiểm soát dịch tác động tiêu cực đến thông quan hàng nông sản tại các cửa khẩu, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn địa phương triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp; thực hiện nghiêm các khuyến nghị về phòng trừ dịch hại trên cây trồng, ứng phó với thiên tai nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra; áp dụng các kỹ thuật canh tác, chăm sóc,… nhằm hạn chế tối đa thâm dụng tài nguyên, vật tư,… để hạ giá thành sản xuất.

Chăn nuôi trong tháng 8 phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát; nhìn chung, đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng. Đàn bò ước tăng khoảng 3,4%; đàn lợn tăng 6,8% và đàn gia cầm tăng 3,6%; riêng đàn trâu ước giảm khoảng 0,6%.

“Tại thời điểm ngày 22/8, bệnh lở mồm long móng và tai xanh đã được kiểm soát tốt, không có dịch; có 3 ổ dịch cúm gia cầm tại Thái Bình, Nam Định và Hà Tĩnh; có 93 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 15 tỉnh, thành phố và có 9 ổ dịch viêm da nổi cục tại Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk chưa qua 21 ngày”, Bộ NN-PTNT cho hay.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 794,5 nghìn tấn, tăng 2,7% so với T8/2021; lũy kế 8 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5.797,6 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khai thác mặc dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 tại khu vực biển miền Trung và vịnh Bắc Bộ vào thời điểm giữa tháng. Giá dầu đã giảm gần 20% so với tháng 7/2022 nên khoảng 80 - 95% tàu cá các địa phương hoạt động khai thác bình thường. Một số ít tàu cá còn nằm bờ do đang trong quá trình duy tu, sửa chữa hoặc phụ thuộc vào nghề và mùa vụ khai thác.

“Tháng 8, sản lượng khai thác đạt 352,9 nghìn tấn, giảm 1,0%. Tính chung 8 tháng, sản lượng đạt 2.625,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với CKNT; trong đó, khai thác biển đạt 2.506,1 nghìn tấn, giảm 2,7%”, Bộ NN-PTNT cho hay.

Về nuôi trồng, sản lượng nuôi trồng ước đạt 441,6 nghìn tấn, tăng 5,9% so với tháng 8/2021. 8 tháng, sản lượng ước đạt 3.172,2 nghìn tấn, tăng 7,0% so với cùng kì năm trước. Cụ thể, sản lượng cá tra ước đạt 1.024,5 nghìn tấn, tăng 10,4%; tôm đạt 672,9 nghìn tấn, tăng 10,1% (tôm sú đạt 174,0 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm thẻ chân trắng đạt 458,9 nghìn tấn, tăng 13,9%). 

8 tháng đầu năm, đã cấp 2 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; cấp Giấy chứng nhận lần đầu 17 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản bố mẹ; 725 Giấy xác nhận cơ sở nuôi cá tra; 29.607 giấy xác nhận cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và 621 Giấy xác nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè.

Thi Nguyên (t/h)