Mối quan ngại khi cúm A gia tăng bất thường

Nhiều bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận bệnh nhân cúm A tăng cao bất thường. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, TP. Hà Nội ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, tại 23/30 quận, huyện, thị xã.

Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính.

1-1659337005.jpg
Biện pháp đeo khẩu trang vẫn được khuyến cáo một cách mạnh mẽ trong việc phòng chống cúm A, dịch Covid-19 cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác.

TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Cúm mùa thường có diễn biến lành tính nhưng có thể gây ra biến chứng nặng và nguy hiểm ở những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp. Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ”.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ: “Người mắc cúm A có thể khôi phục sau 5-7 ngày nhưng với trẻ em bệnh có thể diễn biến nặng nề dễ xuất hiện biến chứng. Cụ thể các trường hợp đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não”.

“Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên không gây quái thai”, TS Đỗ Thiện Hải chia sẻ thêm.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động. Ngoài ra, cần chú ý nâng cao thể trạng, tăng cường thực phẩm giàu đạm để bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh; Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.

Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy cần tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt tránh tiếp xúc với những người bị cúm. Người dân cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây niễm.

Biện pháp đeo khẩu trang vẫn được khuyến cáo một cách mạnh mẽ trong việc phòng chống cúm A, dịch Covid-19 cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác. Khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa bụi, vi khuẩn, virus và các bệnh lây qua đường hô hấp nhờ lớp lọc kháng khuẩn cao cấp.

Đạm Quang Lê