Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực ở Tuyên Quang

Tiêu thụ nông sản có ý nghĩa quyết định tới giá trị gia tăng và kết quả hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu này phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ một số nông sản chủ lực tại tỉnh Tuyên Quang, bao gồm cam, mía, và chè.

Số liệu được thu thập thông qua điều tra 301 hộ nông dân và được phân tích bằng thống kê mô tả, so sánh, phân tích SWOT. Kết quả cho thấy liên kết theo hợp đồng được thực hiện đối với các nông sản nguyên liệu và đã mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và hộ nông dân. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam mới chỉ dừng lại chủ yếu ở thỏa thuận miệng giữa người sản xuất và người thu gom. Mặc dù các liên kết này đã mang lại một số lợi ích nhất định cho các bên, song còn tồn tại nhiều điểm yếu và bất cập, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang.

tq-1636958289.jpg
Thành phố Tuyên Quang

LINKAGES IN PRODUCTION AND MARKETING OF KEY AGRICULTURAL PRODUCTS IN TUYEN QUANG PROVINCE

Marketing of agricultural products is critical to value added and performance of the value chains. The study aims to analyze the current situation of linkages between production and marketing of selected agricultural products in Tuyen Quang province, including orange, sugar cane and tea. Data was gathered through a survey with 301 producers, and analyzed by descriptive and comparative statistics, and SWOT. Results show that contract have been implemented between producers and companies for agricultural products which serve as material for processing, the formal linkages have showed benefits to the actors. However, no formal linkage between production and marketing of orange was found, with majority of farmers selling products to collector with verbal agreement. Despite of mutual benefits brought to actors, the linkages between production and marketing of the selected agricultural products revealed weakeness and problems, which negatively affecting the competitiveness of the product value chain. Key recommendations for enhancing the linkages for the selected products are proposed accordingly.

Key words: Linkage, agricultural product, Tuyen Quang

 1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Một trong những yếu điểm trong chuỗi giá trị nông sản nước ta được đề cập thường xuyên chính là vấn đề thiếu liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (Hoàng Thị Hồng Quế & Trần Nam Thắng, 2017; Vũ Thị Hằng Nga & Trần Hữu Cường, 2020). Đặc biệt, một số nông sản đang mất cân đối lớn giữa lượng cung cầu trên thị trường, không gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ dẫn đến dư thừa hàng hóa, thường xuyên phải “giải cứu” nông sản. Điều này làm cho giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp giảm sút đáng kể, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường không cân xứng so với tiềm năng nông nghiệp cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng (Nguyễn Đình Phúc & cs., 2017; Phạm Thị Thuyền & cs., 2020).

Liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản là những hoạt động tự nguyện, các bên thực hiện liên kết cùng có lợi, nhưng giữa các liên kết sẽ ràng buộc chặt chẽ với nhau theo một thỏa thuận trước của các chủ thể sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, chịu sự chi phối của các chế định thể chế nhằm đạt được mục tiêu của các hoạt động tham gia liên kết (Trần Minh Vĩnh & Phạm Vân Đình, 2012; Hồ Thanh Thủy, 2017; Hoàng Vũ Quang, 2018). Để duy trì và phát triển các liên kết bền vững, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng (Nguyễn Viết Tuân, 2012; Trần Cao Úy & Nguyễn Thị Thu Thảo, 2017). Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa và gần đây nhất là Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, với ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng, chiếm 23,63% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh năm 2018 (Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, 2018). Các nông sản chủ lực của tỉnh bao gồm cây công nghiệp (chè, mía) và cây cam sành. Hiện nay, tại tỉnh Tuyên Quang đã có các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất cùng với người dân trong sản xuất nông sản hàng hóa. Các doanh nghiệp này đã hỗ trợ người nông dân trong sản xuất cũng như thu mua nông sản. Tuy nhiên hoạt động liên kết này vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Nghiên cứu này nhằm làm rõ thực trạng về liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chủ lực và đề xuất một số giải pháp tăng cường các liên kết này trong thời gian tới.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Nghiên cứu này khảo sát ở các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang, vì đây là những vùng sản xuất nông sản chủ lực tập trung như mía (Hàm Yên và Sơn Dương), cam (Hàm Yên, Yên Sơn) và chè (Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang).

Số liệu thứ cấp được thu thập chủ yếu từ các báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân. Số liệu sơ cấp được thực hiện thông qua điều tra ngẫu nhiên 301 hộ sản xuất bao gồm 100 hộ trồng mía, 101 hộ trồng cam, và 100 hộ trồng chè. Phỏng vấn sâu được thực hiện với 29 cán bộ cấp tỉnh, huyện và cấp xã, 15 cơ sở thu mua, chế biến nông sản và 17 doanh nghiệp sản xuất nông sản trong đó 1 doanh nghiệp sản xuất cam, 1 doanh nghiệp sản xuất mía và 15 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2.2. Phương pháp phân tích số liệu

Phương pháp thống kê mô tả và so sánh được sử dụng để phân tích số liệu, với kiểm định t-test so sánh một số chỉ tiêu trung bình giữa nhóm hộ có và không có liên kết. Phân tích SWOT được áp dụng nhằm làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực tại tỉnh Tuyên Quang.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ các nông sản chủ lực ở tỉnh Tuyên Quang

3.1.1. Tổng quan một số nông sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang

Mía là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Tuyên Quang. Niên vụ 2018 có 8.471 ha mía nguyên liệu, sản lượng đạt trên 535 nghìn tấn (tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa). Tuy nhiên, diện tích năm 2019 giảm mạnh, chỉ còn 52,77% so với 2018 tương ứng với 4.470 ha mía cho sản lượng đạt 275,9 nghìn ha, năm 2020 sản lượng đạt còn 274,5 nghìn ha, nguyên nhân là do thị trường mía đường biến động mạnh, giá đường thế giới giảm dẫn đến giá đường trong nước giảm (UBND tỉnh Tuyên Quang, 2021).

Bảng 1. Diện tích, sản lượng một số nông sản chủ lực của tỉnh Tuyên Quang

Sản phẩm

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

So sánh (%)

Diện tích

Sản lượng

DT (ha)

SL (nghìn tấn)

DT (ha)

SL (nghìn tấn)

DT (ha)

SL (nghìn tấn)

2020

/2019

2019

/2018

2020

/2019

2019

/2018

Mía

8.471

535,5

4.470

275,9

4.453

274,8

99,62

52,77

99,60

51,52

Chè

8.711

67,4

8.695

61,2

8.703

64,7

100,09

99,82

105,72

90,80

Cam

5.535

81,1

6.071

85,6

6.815

96,9

112,25

109,68

113,20

105,55

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, 2020

Tương tự, chè cũng là cây công nghiệp có diện tích khá lớn ở tỉnh Tuyên Quang. Tổng diện tích chè kinh doanh năm 2018 là 8.711 ha, đến năm 2020, diện tích chè là 8.703 ha, (khá ổn định qua các năm). Diện tích chè tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn và Na Hang, sản lượng chè búp tươi đạt gần 67,4 tấn. Tiếp đó, đối với cây cam năm 2018 có diện tích 5.535 ha, đến năm 2020 diện tích đạt 6.815 ha, tăng bình quân 11,1%/năm, với sản lượng cam đạt 96,9 nghìn tấn, tăng bình quân 10,9%/năm (Bảng 1).

Hiện nay tại tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ cam: Có 01 công ty và 02 HTX tham gia liên kết (Công ty Cổ phần cam sành Hàm Yên): Liên kết tiêu thụ cam quả với 415 hộ gia đình tham gia, tổng diện tích 415 ha, sản lượng tiêu thụ 8.850 tấn, giá trị nông sản tiêu thụ khoảng 49,1 tỷ đồng. Đối với sản xuất và tiêu thụ chè: Có 05 doanh nghiệp và 07 HTX trên địa bàn tỉnh liên kết với hộ trồng chè sản xuất chè búp nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích sản xuất chè theo hình thức hợp tác, liên kết là 2.546 ha, có trên 3.000 hộ dân tham gia, sản lượng chè búp tươi tiêu thụ 26,09 nghìn tấn, giá trị khoảng 158 tỷ đồng. Về phía liên kết sản xuất và tiêu thụ mía: Hàng năm ký hợp đồng liên kết sản xuất mía với 3233 hộ dân, trồng 4.000 ha mía. Sản lượng mía được tiêu thụ qua 3 năm là trên 1.000 nghìn tấn, giá trị được tiêu thụ qua liên kết đạt trên 900 tỷ đồng (UBND tỉnh Tuyên Quang, 2021).

3.1.2. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mía

a) Thực trạng hoạt động liên kết giữa Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương (SONSUCO) và các nông hộ

Công ty SONSUCO đầu tư cho hộ trồng mía về vốn, kỹ thuật sản xuất, làm đất, phân bón… còn hộ trồng mía trồng và bán mía nguyên liệu cho Công ty. Mối quan hệ này có sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng các tổ chức tín dụng và các tổ chức dân sự xã hội. Các hộ liên kết với công ty có thể thông qua một trong hai hình thức: Các hộ trồng mía tự thỏa thuận và hình thành nhóm hộ để ký hợp đồng trồng và bán mía nguyên liệu cho Công ty và liên kết chính thức giữa công ty và các hộ thông qua hợp đồng (1 năm). Đối với hình thức hợp đồng, người trồng mía phải đảm bảo điều kiện có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nhu cầu được bán mía nguyên liệu cho công ty. Người trồng mía có hợp đồng bán mía cho Công ty, mỗi 1 tấn mía thì được ứng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản là 300.000 đồng/tấn để đầu tư mua giống mía mới, cày bừa làm đất bằng máy, mua phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, thuê lao động chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Ngoài các khoản ứng trước theo đầu tấn mía ký hợp đồng bán cho Công ty như trên. Công ty còn tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ trồng mía vay vốn dài hạn 2-3 năm để thuê, mua đất, dồn điền, đổi thửa tạo những diện tích lớn tập trung liền vùng, liền thửa. Hỗ trợ vay vốn mua xe vận chuyển mía, mua máy cày bừa làm đất, chăm sóc, thu hoạch mía...

b) Lợi ích của các hộ khi được tham gia liên kết

Bảng 2 đã chỉ lợi ích của các hộ dân khi tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mía. Người nông dân được hỗ trợ khi mua giống, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm. Về lợi ích khi mua giống, 100% nông hộ đều được hướng dẫn kỹ thuật khi trồng. Phía công ty cũng hỗ trợ cho người dân mua chịu mía giống, khi thu hoạch nhà máy sẽ trừ vào tiền mía nguyên liệu.

Bảng 2. Lợi ích của các hộ tham gia liên kết

Lợi ích

Số lượng

(n=100)

Tỉ lệ

(%)

Về lợi ích khi mua giống

Mua chịu

84

84,00

Chất lượng đảm bảo

80

80,00

Hỗ trợ về kỹ thuật

100

100,00

Hỗ trợ vận chuyển

63

63,00

Hỗ trợ về phân bón

Mua chịu

75

75,00

Chất lượng đảm bảo

80

80,00

Hỗ trợ về kỹ thuật

76

76,00

Hỗ trợ vận chuyển

88

88,00

Về lợi ích khi mua thuốc bảo vệ thực vật

Mua chịu

80

80,00

Chất lượng đảm bảo

77

77,00

Hỗ trợ về kỹ thuật

76

76,00

Hỗ trợ vận chuyển

85

85,00

Tiêu thụ sản phẩm

Ổn định đầu ra

80

80,00

Gía bán sản phẩm hợp lý

65

65,00

Được hỗ trợ vận chuyển

90

90,00

Nguồn: Số liệu điều tra (2020)

Về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được người dân đánh giá cao về chất lượng đảm bảo ở mức trung bình 80% và cũng đều có hỗ trợ kỹ thuật sử dụng sao cho đảm bảo an toàn và hỗ trợ vận chuyển về đến nơi tập kết tại thôn, bản của người dân. Khi tiến hành thu hoạch mía, nhà máy sẽ cho xe đến thu hoạch ngay tại vườn mía của người dân. Tuy nhiên, do địa hình, giao thông tại các thôn bản chưa được bê tông hóa và còn nhỏ hẹp vì thế xe thu mua chỉ đến đường tại trung tâm thôn hoặc gần khu trồng mía và các hộ phải thuê người bốc mía từ ruộng ra đến tập kết.

c) Tính bền vững của hoạt động liên kết

Trong hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ mía tại tỉnh Tuyên Quang, các hộ nhận được hỗ trợ đầu vào như giống,thuốc trừ sâu, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, được bao tiêu sản phẩm với giá hợp đồng. Việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân đã giúp cho doanh nghiệp ổn định vùng mía nguyên liệu, giữ vững được công suất hoạt động của nhà máy, góp phần ổn định lượng mía đường trong nước. Mặc dù vậy, trong trường hợp giá mía nguyên liệu tăng nhanh một số hộ liên kết vẫn phá vỡ liên kết để bán mía với giá cao hơn cho các thương lái hoặc nhà máy mía đường khác giá mua cao hơn. Về phía công ty, SONSUCO đã thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất đúng cam kết, giúp nông hộ thực hiện thâm canh, thu hoạch và vận chuyển mía, tuy nhiên khi giá tiêu thụ đường giảm, công ty lâm vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính (mất cân đối vốn), chậm thanh toán tiền sản phẩm cho hộ nông dân, dẫn đến phá canh cây mía, làm cho diện tích vùng nguyên liệu mía giảm mạnh qua các năm.

d) Hiệu quả kinh tế của các hoạt động liên kết

Kết quả Bảng 3 cho thấy, diện tích bình quân đất canh tác của nhóm họ có liên kết là 1,57 ha/hộ và 1,44 ha/hộ đối với nhóm hộ không liên kết. Năng suất bình quân giữa 2 nhóm hộ liên kết và không tham gia liên kết là 64,69 tấn/ha và 64,28 tấn/ha. Điều này đã chỉ ra sản lượng bình quân trung bình các hộ có sự khác biệt khá rõ rệt khi nhóm hộ liên kết đạt 101, 56 tấn/hộ và nhóm không liên kết là 92,56 tấn/hộ.

Bảng 3. Kết quả liên kết giữa các nông hộ với Công ty CP mía đường Sơn Dương

Diễn giải

ĐVT

Hộ có liên kết

(n=92)

Hộ không liên kết

(n=8)

Kiểm định thống kê T

Diện tích đất canh tác bình quân

ha/hộ

1,57

1,44

0,7607*

Năng suất bình quân

tấn/ha

64,69

64,28

0,012*

Sản lượng bình quân

tấn/hộ

101,56

92,56

1,122*

Giá bán bình quân

tr.đ/tấn

0,85

0,80

0,003

Doanh thu bình quân (GO)

tr.đ/hộ

86,33

74,05

0,214*

Doanh thu bình quân (GO)

tr.đ/ha

54,99

51,42

0,065*

Chi phí trung gian (IC)

tr.đ/hộ

29,58

27,43

0,045

Chi phí trung gian (IC)

tr.đ/ha

18,84

19,05

0,042

Gía trị gia tăng (VA)

tr.đ/hộ

56,75

46,62

0,03

Gía trị gia tăng (VA)

tr.đ/ha

36,15

32,37

0,041

Ghi chú: *, **, *** là các mức ý nghĩa thống kê ở 10%, 5%, 1%.

tq1-1636958362.jpg
Bản đồ tỉnh Truyên Quang

Về doanh thu bình quân của nhóm hộ liên kết đạt 54,99 triệu đồng/ha và 51,42 triệu đồng với nhóm hộ không liên kết. Kết quả giá trị gia tăng giữa nhóm hộ có liên kết là 36,15 triệu đồng/ha còn nhóm hộ không tham gia liên kết là 32,37 triệu đồng/ha.

3.1.3. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam

a) Thực trạng hoạt động liên kết của các nông hộ

Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên được thành lập năm 2017, Công ty đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển Công ty dựa trên 3 nền tảng: Máy móc công nghệ hiện đại, Quản trị doanh nghiệp tiên tiến, Marketing chuyên nghiệp. Hiện nay, Công ty cổ phần cam sành Hàm Yên đã tiến hành ký kết hợp đồng thu mua dài hạn trong vòng thời gian từ 3 đến 5 năm đối với các nông hộ. Về phía doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người dân các vật tư đầu vào như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật,… và đến khi thu hoạch sẽ thu hoạch ngay tại vườn để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Còn đối với các hộ nông dân, khi thực hiện ký cam kết với công ty phải đảm bảo trồng, chăm sóc đúng tiêu chuẩn, cam kết bán đủ sản lượng trong năm.

b) Lợi ích của các hộ khi được tham gia liên kết

Bảng 4 so sánh lợi ích của nhóm hộ liên kết và nhóm hộ không liên kết. Điều này đã chỉ ra tính bền vững trong liên kết giữa nhà máy cam Hàm Yên và các hộ trồng cam tại Tuyên Quang. Các hộ liên kết được hỗ trợ đầu vào mà không tính lãi cho đến kỳ thu hoạch sản phẩm, thêm nữa các hộ liên kết được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm với giá thoả thuận theo hợp đồng.

Bảng 4. So sánh lợi ích của các hộ liên kết và không liên kết

Chỉ tiêu

Hộ liên kết

Hộ không liên kết

Hỗ trợ đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi)

Được hưởng 100%

Tự đầu tư 100%

Tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc

Được hưởng 100%

Được hưởng 20%

Bao tiêu sản phẩm

Được hưởng 100%

Tự tiêu thụ

Giá bán sản phẩm

Theo hợp đồng

Theo thị trường

(Nguồn: Kết quả điều tra, 2020)

Đối với các hộ không liên kết thì không được hưởng các hỗ trợ trên tuy nhiên một số hộ vẫn được hưởng lợi từ công ty bởi các hoạt tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay do thị trường tiêu thụ cam chưa được ổn định dẫn đến giá cam còn nhiều biến động tạo nên những khó khăn khi thực hiện liên kết giữa công ty và hộ nông dân.

c) Hiệu quả kinh tế của các hoạt động liên kết

Bảng 5 cho ta thấy các nông hộ trồng cam đang tham gia cả hoạt động liên kết và không liên kết. Trong đó, diện tích đất canh tác của các nông hộ có liên kết là nhiều hơn so với nông hộ không liên kết với mức ý nghĩa thống kê 10%. Các yếu tố Năng suất bình quân và Sản lượng bình quân của những nông hộ liên kết cũng đều cao hơn các nông hộ không liên kết với với mức ý nghĩa thống kê là 10%.

Bảng 5. Kết quả liên kết giữa các nông hộ trồng cam

Diễn giải

ĐVT

Hộ có liên kết

Hộ không có liên kết

Kiểm định thống kê T

(n=14)

(n=87)

Diện tích đất canh tác bình quân

ha/hộ

2,15

1,92

1,02*

Năng suất bình quân

tấn/ha

18,87

17,24

0,05*

Sản lượng bình quân

tấn/hộ

40,57

33,10

0,05*

Giá bán bình quân

tr.đ/tấn

7,23

6,5

0,037

Doanh thu bình quân (GO)

tr.đ/hộ

293,32

215,16

1,047*

Doanh thu bình quân (GO)

tr.đ/ha

136,43

112,06

0,035*

Chi phí trung gian (IC)

tr.đ/hộ

87,51

82,83

1,028*

Chi phí trung gian (IC)

tr.đ/ha

40,70

43,14

0,043*

Gía trị gia tăng (VA)

tr.đ/hộ

205,82

132,33

0,027*

Gía trị gia tăng (VA)

tr.đ/ha

95,73

68,92

0,024*

Ghi chú: *, **, *** là các mức ý nghĩa thống kê ở 10%, 5%, 1%.

Kết quả điều tra khảo sát cho thấy, diện tích đất canh tác bình quân nhóm hộ có liên kết là 2,15 ha/hộ và nhóm hộ không liên kết là 1,92 ha/hộ. Năng suất bình quân đạt từ 17,24 tấn/ha đến 18,87 tấn/ha từ đó cho thấy đối với nhóm hộ có liên kết sản lượng bình quân đạt 40,57 tấn/hộ và nhóm hộ không liên kết đạt 33,10 tấn /hộ. Giá bán cũng đã có sự chệnh lệch khá rõ rệt giữa 2 nhóm hộ là 6,5 triệu đồng/tấn đối với nhóm hộ bán cho thị trường bên ngoài, mặc khác đối với nhóm hộ bán cho Công ty thì giá bán là 7,23 triệu đồng/tấn. Doanh thu trung bình của cam Hàm Yên đạt từ 112,06 triệu đồng/ha đến 136,43 triệu đồng/ha, đem lại giá trị gia tăng từ 68,92 triệu đồng/ha đền 95,73 triệu đồng/ha.

3.1.4. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè

Hiện nay có các doanh nghiệp lớn đang thu mua chè như: Công ty cổ phần chè Sông Lô; Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần chè Tân Trào; Công ty cổ phần chè Long Phú và có trên 10 hợp tác xã trồng, thu mua, chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát thực tế điều tra cho thấy, hiện nay tại các công ty cổ phần, hợp tác xã chế biến chè trên địa bàn tỉnh đều đang tiến hành hỗ trợ người dân từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hái,.. điều này dẫn đến chất lượng chè cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới. Giống chè rất đa dạng, có tới 16 giống đã và đang được sản xuất nhưng chủ yếu là các giống: Trung-Du, Shan, PH1, LDP1, LDP2.

a) Thực trạng hoạt động liên kết của các nông hộ sản xuất chè

Hình thức liên kết đối với cây chè tại tỉnh là khá đa dạng và có các hình thức liên kết khác nhau.

Về hình thức thực hiện mối liên kết giữa các doanh nghiệp và hộ dân trồng chè như sau: một là, liên kết thông qua hợp đồng và được tổ chức sản xuất tập trung trong một số khâu sản xuất chè như làm đất, bón phân, phun thuốc, thu hoạch cho toàn bộ một khu vực (bao gồm nhiều hộ làm chè). Điều này sẽ giúp khu vực trồng chè đó không bị lây lan sâu bệnh dẫn đến sự phát triển đồng đều, thời gian thu hoạch bằng nhau và tạo nên chất lượng chè tương đồng, hướng đến sản xuất chè an toàn, không dự lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép theo từng thị trường xuất khẩu sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế các các tác nhân trong chuỗi sản phẩm chè. Hai là, sự liên giữa doanh nghiệp và nông hộ đơn thuần. Tại đây, doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào như giống chè, phân bón, thuốc trừ sâu và có thể được chậm thanh toán cho đến khi thu hoạch chè.

b) Lợi ích của các hộ khi được tham gia liên kết

Về hỗ trợ phân bón, thì các nhóm hộ không tham gia liên kết lại có kết quả điều tra cho thấy được hỗ trợ nhiều hơn. Vì tại đây, các bên đơn vị liên kết đều mua từ các đại lý, các nhà máy, và hợp tác xã, xí nghiệp chỉ mang tính chất mua hộ các hộ sản xuất nên tỷ lệ hỗ trợ mua chịu hay hỗ trợ vận chuyển đều thấp hơn so với nhóm hộ mua trực tiếp từ của hàng phân bón. Các công ty chè đã có hợp đồng khá chặt chẽ với các hộ trồng chè. Trong khi đó những hộ trồng chè tự do, thì gặp khá nhiều rủi ro trong cung ứng đầu vào, một số nhóm hộ thì liên kết với thương lái rất lỏng lẻo, một số hộ thì sản xuất theo quy mô nông hộ, giá của đầu vào rất bấp bênh, hơn nữa nguồn cung cấp các yếu tố đầu vào chủ yếu là ở các cửa hàng, đại lý của huyện, nên khi khó khăn thì rất dễ bị ép giá.

Bảng 6. So sánh lợi ích của các hộ liên kết và không liên kết

Lợi ích

Có tham gia liên kết

(n=75)

Không tham gia liên kết

(n=25)

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Về lợi ích khi mua giống

Mua chịu

45

60,00

11

44,00

Chất lượng đảm bảo

50

66,67

15

60,00

Hỗ trợ về kỹ thuật

50

66,67

14

56,00

Hỗ trợ vận chuyển

43

57,33

12

48,00

Hỗ trợ về phân bón

Mua chịu

30

40,00

11

44,00

Chất lượng đảm bảo

33

44,00

13

52,00

Hỗ trợ về kỹ thuật

33

44,00

13

52,00

Hỗ trợ vận chuyển

29

38,67

12

48,00

Về lợi ích khi mua thuốc bảo vệ thực vật

Mua chịu

26

34,67

10

40,00

Chất lượng đảm bảo

35

46,67

11

44,00

Hỗ trợ về kỹ thuật

22

29,33

10

40,00

Hỗ trợ vận chuyển

29

38,67

8

32,00

Ngun: Số liu điu tra (2020)

Nhóm hộ tham gia liên kết thông qua hợp đồng chính thống được đảm bảo chắc chắn cung ứng đầu vào về giống, khi các hộ tiến hành trồng mới chè sẽ được bên hợp tác xã hoặc doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng giống, và hỗ trợ vận chuyển về vùng trồng chè cho người nông hộ. Khi tiến hành khảo sát điều tra, có hơn 66,6% ý kiến cho rằng các hộ được hỗ trợ về kỹ thuật trồng chè mới, cách chăm sóc mới trồng để đảm bảo tỷ lệ sinh trưởng cao nhất. Trong khi đó nhóm hộ liên kết thông qua hợp đồng phi chính thống chỉ đảm bảo được hơn 44% về được hỗ trợ mua chịu và 48% nhóm hộ được hỗ trợ vận chuyển (Bảng 6). Khi mua đầu vào, nếu các hộ có liên kết với các công ty thì sẽ được hỗ trợ vận chuyển. Còn các hộ tự do thì hầu như là phải tự vận chuyển hoặc mất chi phí để vận chuyển đầu vào đến nơi sản xuất.

c) Hiệu quả kinh tế của các hoạt động liên kết

Hiệu quả kinh tế của hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè tại Tuyên Quang được thể hiện tại Bảng 7. Năng suất của nhóm hộ liên kết đạt 17,84 tấn/ha và nhóm hộ không tham gia liên kết là 16,23 tấn/ha, với tổng doanh thu bình quân giữa hai nhóm hộ thực hiện liên kết và không liên kết lần lượt là 117,21 tr/ha và 101,3 tr/ha.

Bảng 7. Kết quả liên kết giữa các nông hộ trồng chè

Diễn giải

ĐVT

Hộ có liên kết

Hộ không liên kết

Kiểm định thống kê (t)

(n=75)

(n=25)

Diện tích đất canh tác bình quân

ha/hộ

1,32

0,92

1,056**

Năng suất bình quân

tấn/ha

17,84

16,23

0,067

Sản lượng bình quân

tấn/hộ

23,55

14,93

0,121**

Giá bán bình quân

tr.đ/tấn

6,57

6,24

0,037

Doanh thu bình quân (GO)

tr.đ/hộ

154,72

93,20

0,045**

Doanh thu bình quân (GO)

tr.đ/ha

117,21

101,30

0.025**

Chi phí trung gian (IC)

tr.đ/hộ

53,51

39,88

0,041

Chi phí trung gian (IC)

tr.đ/ha

40,54

43,35

0,032

Gía trị gia tăng (VA)

tr.đ/hộ

101,20

53,31

0,021**

Gía trị gia tăng (VA)

tr.đ/ha

76,67

57,95

0,022**

Ghi chú: *, **, *** là các mức ý nghĩa thống kê ở 10%, 5%, 1%.

Kết quả bảng 7 cho thấy, diện tích đất canh tác của các hộ có liên kết là nhiều hơn so với hộ không liên kết với mức ý nghĩa thống kê 5%. Các yếu tố Sản lượng bình quân, doanh thu bình quân và giá trị gia tăng của những hộ liên kết cũng đều cao hơn các hộ không liên kết với với mức ý nghĩa thống kê là 5%. Cụ thể đối với nhóm hộ liên kết giá trị gia tăng là 76,67 tr/ha và nhóm hộ không liên kết là 57,95 tr/ha.

3.2. Phân tích SWOT đối với các nông sản chủ lục của tỉnh Tuyên Quang

Mặc dù xu hướng những năm gần đây thị phần cam Sành Tuyên Quang ngày càng mở rộng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam với giá bán khá cao nhưng hộ trồng cam vẫn là tác nhân chịu nhiều thua thiệt. Lợi nhuận thu về gần như thấp nhất so với các tác nhân khác. Mặc dù hiện tại liên kết để phát triển chuỗi giá trị cam vẫn đang còn gặp những khó khăn, thách thức nhất định. Nhưng trên cơ sở hiệu quả về mặt kinh tế -xã hội môi trường, đặc biệt là các lợi thế so sánh và các thành viên trong chuỗi giá trị cam đều mong muốn tiếp tục duy trì phát triển, được thể hiện qua phân tích ma trận SWOT chuỗi giá trị Cam (Bảng 8).

Bảng 8. Phân tích SWOT của cây cam sành Tuyên Quang

Điểm mạnh (S)

- Nguồn lao động dồi dào;

- Người dân cần cù, chịu khó và có kinh nghiệm trồng cam lâu năm;

- Cây cam với bộ rễ ăn sâu nên có khả năng chống xói mòn đất;

- Có thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường (Từ năm 2009 UBND huyện Hàm Yên đã xây dựng thương hiệu Cam sành Hàm Yên, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Điểm yếu (W)

- Tập quán canh tác chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống;

- Đất đồi dốc, xa khu dân cư nên khó khăn trong việc sản xuất, vận chuyển sản phẩm;

- Giống cam địa phương lâu ngày bị thoái hóa, năng suất thấp;

- Thiếu vốn sản xuất nên phải tạm ứng vật tư, trang thiết bị trước;

- Năng lực quản lý nông hộ và hạch toán kinh tế rất hạn chế.

Cơ hội (O)

Thách thức (T)

- Có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm cam:

- Cam sành của các tỉnh miền Nam, thời vụ chính là từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, cam sành miền Bắc thời vụ chính là từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, đây là cơ hội để mở rộng và phát triển thị trường.

- Giá đầu vào ngày càng tăng như giá phân bón, thuốc BVTV, công lao động…,

- Sâu bệnh hại nhiều (nhện đỏ, sâu vẽ bùa, bệnh sẹo lá...) nhưng người dân chưa biết phòng trừ hiệu quả nên tỷ lệ rủi ro cao,

- Giá cả đầu ra không ổn định,

- Bị cạnh tranh bởi các sản phẩm cùng loại trong khu vực: Hà Giang, Yên Bái và một số tỉnh miền Nam.

Hiện nay, sản xuất chè, mía nguyên liệu đang có những điểm mạnh, điểm yếu và thách thức nhất định mặc dù những năm gần đây đã có nhiều các doanh nghiệp tham gia liên kết với các nông hộ. Những năm qua, sản lượng và diện tích mía giảm mạnh, giá mía thiếu ổn định (Bảng 9).

Bảng 9. Phân tích SWOT của cây mía nguyên liệu ở Tuyên Quang

Điểm mạnh (S)

Điểm yếu (W)

- Sinh thái, đất đai phù hợp với cây mía,

- Sẵn nguồn nhân lực gia đình,

- Tinh thần lao động cần cù, chăm chỉ,

- Diện tích trồng mía phân tán,

- Chưa quen sản xuất theo hợp đồng,

- Tự để giống, giống suy thoái, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp,

- Cạnh tranh diện tích đất trồng mía với các cây khác,

- Năng lực tiêu thụ sản phẩm kém.

Cơ hội (O)

Thách thức (T)

- Được đầu tư về vốn, kỹ thuật sản xuất,

- Tiếp cận công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất hiện đại,

- Diện tích và sản lượng mía nguyên liệu giảm,

- Giá mía nguyên liệu không ổn định,

- Thanh toán chậm,

- Thiếu phương tiện vận chuyển sau thu hoạch,

- Nông dân phá vỡ hợp đồng.

Tương tự, đối với sản xuất chè, sản phẩm chè chế biến không đa dạng, giá chè nguyên liệu thiếu ổn định (Bảng 10).

Bảng 10. Phân tích SWOT của cây chè ở Tuyên Quang

Điểm mạnh (S)

Điểm yếu (W)

- Sinh thái, đất đai phù hợp với chè

- Sẵn nguồn nhân lực gia đình,

- Tinh thần lao động cần cù, chăm chỉ,

- Giống chè cũ suy thoái, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp,

- Sản phẩm chế biến chưa đa dạng,

Cơ hội (O)

Thách thức (T)

- Tiếp cận công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất hiện đại,

- Kinh nghiệm sản xuất của hộ nông dân.

- Giá chè không ổn định,

- Nông dân phá vỡ hợp đồng

3.3. Một số gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu

3.3.1. Đối với hoạt động sản xuất tiêu thụ cam

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cam; Tổ chức sản xuất thông qua việc liên kết các nhà sản xuất nhằm khai thác lợi thế về mùa vụ, điều kiện tự nhiên; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường áp dụng kỹ thuật sản xuất để tăng năng suất và hạ giá thành; Tăng cường công tác kết nối thông tin thị trường với các hộ dân sản xuất; Tổ chức lại hệ thống phân phối theo hướng rút ngắn kênh thông tin thị trường. Tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất; Tăng cường liên kết sản xuất để hạn chế tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Tăng cường công tác Quản lý Nhà nước về quy hoạch và sản xuất cam nhằm hạn chế tình trạng biến động giá cả và hạn chế dịch bệnh; Tăng cường liên kết ngang giữa các hộ nông dân và liên kết dọc trong tiêu thụ sản phẩm để rút ngắn các khâu trung gian phân phối và hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán gây bất lợi cho người sản xuất.

3.3.2. Đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ mía

Trong những niên vụ tiếp theo, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng cần bố trí phương tiện để vận chuyển tránh tình trạng mía của người dân thu hoạch không được vận chuyển ngay giảm chất lượng; thực hiện thanh toán nhanh và đầy đủ cho bà con theo đúng hợp đồng. Mặt khác, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cần có cam kết tổ chức thu mua hết diện tích mía cho người dân; hỗ trợ máy móc, phương tiện, vật tư cải tạo đất trồng mới, trồng lại diện tích.

3.3.3. Đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ chè

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm chè đa dạng, nâng cao được giá trị gia tăng, từ đó nâng được giá mua chè nguyên liệu cho các nông hộ.

4. KẾT LUẬN

Liên kết sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm trồng trọt chủ yếu ở tỉnh Tuyên Quang đã thể hiện được một số ưu điểm và đang phát triển theo hướng tích cực trong những năm tới. Liên kết sẽ tạo ra những hình thức tổ chức sản xuất mới tiến bộ hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ những nguồn lực quan trọng với người nông dân sản xuất và từ đó người sản xuất cũng tiếp cận và làm quen với cách ứng xử trước những yêu cầu của thị trường.

Tăng cường liên kết còn góp phần làm thay đổi các phương pháp quản lý và chỉ đạo sản xuất của các cơ quan, các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản đạt hiệu quả ngày càng cao như mía đường, cam Sành, chè là những nông sản chủ yếu. Tuy vậy, để giải quyết những khó khăn, bất cập trong thực hiện liên kết Tuyên Quang cũng cần nhanh chóng tổ chức lại các hình thức sản xuất của hộ nông dân. Xây dựng các mô hình HTX hoặc tổ hợp tác để liên kết các nông hộ, hình thành tác nhân chủ yếu trong mối liên kết với các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, giảm mạnh tác nhân trung gian để tăng hiệu quả cho toàn bộ chuỗi liên kết./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục Thống kê Tuyên Quang (2018a). Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo điều hành phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
  2. Cục Thống kê Tuyên Quang (2018b). Niên giám thống kê Tỉnh Tuyên Quang, NXB Thống kê.
  3. Hoàng Thị Hồng Quế & Trần Nam Thắng (2017). Nghiên cứu hiện trạng phân bố và chuỗi cung ứng tre tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học-Đại học Huế, 126 (3B), 75-85.
  4. Hoàng Vũ Quang (2018). Liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở chăn nuôi trong sản xuất và tiêu thụ lợn thịt ở một số tỉnh của Việt Nam. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 16(3), 282-289.
  5. Hồ Thanh Thủy (2017). Vai trò của liên kết trong sản xuất nông sản. Tạp chí Giáo dục lý luận, 269(2), 269-271.
  6. Nguyễn Đình Phúc & cs., (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu của các hộ trồng mía với công ty mía đường nhiệt điện Gia Lai. Tạp chí Khoa học-Đại học Huế, 126 (5A), 43-61.
  7. Nguyễn Viết Tuân (2012). Nghiên cứu đặc điểm và mối liên kết của các tác nhân trong chuỗi giá trị sắn ở Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học-Đại học Huế, 72 (2), 299-308.
  8. Phạm Thị Thuyền & cs., (2020). Quyết định tham gia hợp đồng liên kết trong sản xuất lúa của nông hộ tại tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học-Trường Đại học Cần Thơ, 56(4D), 256-265.
  9. Trần Cao Úy & Nguyễn Thị Thu Thảo (2017). Mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau màu tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học-Đại học Huế, 126 (3B), 145-156.
  10. Trần Minh Vĩnh & Phạm Vân Đình (2014). Một số giải pháp phát triển hợp đồng liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa gạo ở tỉnh Đồng Tháp. Tạp chí Khoa học và Phát triển, 12(6), 844-852.
  11. UBND Tỉnh Tuyên Quang (2020). Đề án Phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến,tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025.
  12. Vũ Thị Hằng Nga & Trần Hữu Cường (2020). Một số lý luận về liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 18(3), 230-237.

TS. Tô Thế Nguyên1, Th.S Nguyễn Anh Tuấn1, Vũ Tiến Vượng1 1: Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội