Hà Nội liên kết sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), ngành dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17%/năm. Xanh hóa chuỗi sản xuất dệt may là hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may trong xu thế toàn cầu.

Việc sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.

Xanh hóa ngành dệt may, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu là cách để doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nói chung và của TP. Hà Nội nói riêng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

det-may-1-1689929442.jpg
Khu trưng bày lụa Vạn Phúc – Hà Đông

Hôm nay (21/7), tại Trung tâm thương mại Melinh Plaza Hà Đông, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông khai mạc Chương trình Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023. Chương trình diễn ra từ ngày 21-23/7. Qua đó, kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững và ổn định.

Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023 gồm 6 khu trưng bày trung tâm đến từ các làng nghề của thành phố Hà Nội: Khu trưng bày lụa Vạn Phúc – Hà Đông; Khu trưng bày làng nghề may Vân Từ - Phú Xuyên; Khu trưng bày sản phẩm thêu, may huyện Thường Tín (khu trưng bày sản phẩm thêu và khu trưng bày sản phẩm áo dài, thời trang); Khu trưng bày Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức; Khu trưng bày công nghiệp dệt may Hà Nội. Ngoài các khu trưng bày trung tâm trên, Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023 còn thu hút 30 gian hàng tiêu chuẩn đến từ các doanh nghiệp dệt may, thời trang của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố.

det-may-1689929640.jpg
Xu hướng xanh hóa ngành dệt may, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch

Các hoạt động chính của Chương trình gồm: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt may, thời trang của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố; Kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội.

Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của TP. Hà Nội trong việc tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của Thủ đô. Chuỗi sự kiện sẽ đem đến cái nhìn tổng thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch Thành phố, phục vụ tốt nhất du khách đến với Thủ đô.

Trần Minh