Làng mật mía Hà Tĩnh tất bật vào vụ tết

Những ngày này, làng mật mía Thọ Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) luôn đỏ lửa để kịp làm sản phẩm phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán.
3f2533c995045f5a0615-1640421773.jpg
Chuẩn bị nguyên liệu để ép mật

Nghề làm mật mía ở xã Thọ Điền đã có từ lâu và được người dân duy trì đến ngày nay, toàn xã hiện còn khoảng 100 hộ lưu giữ nghề truyền thống này. Cuối tháng 10 âm lịch là thời điểm làng nghề ép mật ở xã Thọ Điền tất bật, hối hả hơn bởi chuẩn bị hàng phục vụ thị trường dịp tết.

Trước đây, để ép mật, người dân phải dùng trâu, bò để kéo. Nhưng với mong muốn phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương, tháng 7/2020, anh Lương Sỹ Đức và chị Đoàn Thị Nhàn (thôn 1, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) đã thành lập HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ với 12 thành viên với sản phẩm mật mía Nhàn Đức.

Để đưa HTX đi vào hoạt động, các thành viên đã xây dựng nhà xưởng 150 m2 với đầy đủ các khu vực bếp nấu, khu vực sơ chế, tập kết nguyên liệu, khu vực bán hàng và khu vực đóng gói. Đặc biệt, HTX đầu tư mua máy ép mía công suất lớn để ép mía. Công suất ép mỗi ngày đạt 3 - 4 tấn mía nguyên liệu, tương đương với hơn 300 lít mật mía thành phẩm. Toàn xã Thọ Điền hiện có 2 chiếc máy ép công suất lớn.

20211214-155427-1640421832.jpg
Những mẻ mật được nấu trên bếp đỏ đều lửa và canh suốt quá trình nấu

Đã có hơn 40 năm làm nghề ép mật, ông Lương Sỹ Công - thành viên của HTX cho biết: Những năm trước chưa có máy móc, gia đình phải dùng trâu để ép. Mỗi ngày làm việc cật lực cũng chỉ ép được 1 tạ mía. Tuy nhiên, từ khi thành lập HTX, công đoạn ép mật đã nhanh gọn và năng suất hơn rất nhiều. Không chỉ phục vụ ép mía cho HTX, máy ép mía còn phục vụ nhiều hộ dân làm mật trong vùng.

Để có mật thành phẩm, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: chuẩn bị nguyên liệu từ ngoài ruộng, làm sạch mía, ép nước mía, nấu và chắt lọc mật. Mật sau khi được ép xong sẽ cho vào một chiếc chảo lớn để nấu. Trong tất cả các công đoạn, quan trọng nhất là công đoạn keo mật (nấu mật).

20211214-154714-1640421882.jpg
Mật mía nấu đến lúc cô đặc có màu nâu là ra thành phẩm

Anh Lương Sỹ Đức - HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ chia sẻ: “Trong nấu mật, quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Muốn mật ngon phải đứng “canh” các chảo mật lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng. Nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon, khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật”.

Sau khi được ép, mật sẽ được cho vào một chiếc nồi lớn để lắng cặn, rồi nấu cho đến khi mật sánh lại và chuyển màu vàng sẫm. Khi thành mật thương phẩm sẽ có một lớp bọt đường ở phía trên. Mật sau khi được nấu xong sẽ được để nguội trong vòng 3 giờ rồi mới đóng chai.

20211214-164122-1640421934.jpg
Sản phẩm mật mía Nhàn Đức của HTX Sơn Thọ

Trao đổi với phóng viên, chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi ép 3 - 4 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 300 lít mật thương phẩm. Những năm trước, sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó, thậm chí có những lúc cháy hàng. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên để tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi phải tăng cường quảng bá qua FaceBook, bán hàng qua mạng để tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm mật mía của HTX hiện nay được bán 60 nghìn đồng/lít. Bên cạnh đó, những chai mật được đóng gói cẩn thận, có dán tem của HTX sẽ giúp sản phẩm mật mía được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng.

Để sản phẩm mật mía có chỗ đứng trên thị trường và không bị mai một dần, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX. Hiện nay, sản phẩm mật mía Nhàn Đức của HTX dịch vụ mật mía Sơn Thọ đã được công nhận là sản phẩm OCOOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Là cơ hội để sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh./.

Nguyễn Duyên PVTT tại Hà Tĩnh