Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Kính thưa các bác, các anh, các chị, các cháu, những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của thảm họa da cam trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước vừa qua! Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau chưa dứt ở mỗi gia đình các bác. Thay mặt Đảng ủy, UBND phường, tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến các bác, các anh, cách chị đã chịu đựng, hy sinh cuộc sống của mình vì độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước", ông nói.
Tại buổi lễ, có những gương mặt quen thuộc là các bậc cha, mẹ là nạn nhân chất độc da cam Dioxin và còn cả những người con, cháu thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí cả thứ 4 của họ - những thế hệ nạn nhân di truyền kế tiếp ngày ngày mang nặng những nỗi đau bệnh tật dày vò...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Sỹ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin phường Phúc Xá cho biết: “Họ sinh ra trong hòa bình nhưng vẫn mang trong mình di họa chiến tranh, bị phơi nhiễm chất độc da cam Dioxin do đế quốc Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam Việt Nam trong 10 năm, bắt đầu từ ngày 10/8/1961 đến năm 1971. Chúng đã tiến hành rải 19.905 vụ với trên 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam có chứa 366 kg Dioxin xuống gần 20.000 thôn, bản với diện tích 3,06 triệu héc - ta, bằng 1/7 diện tích toàn miền Nam Việt Nam. Trong đó, 86% diện tích bị phun rải 2 lần. Riêng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Mỹ rải 334.812 ga lon chất độc da cam có chứa gần 11 kg Dioxin làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng, hệ sinh thái bị đảo lộn, hệ sinh học bị suy thoái nghèo nàn, hệ rừng ngập mặn bị phá hủy nặng nề. Các sân bay như Đà Nẵng, Biên Hòa, Phú Cát bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm…”.
Ông Sỹ nhấn mạnh: "Cũng tại diễn đàn này, một lần nữa, chúng ta tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đã để lại cho dân tộc Việt Nam những hậu quả nặng nề từ chất độc da cam. Thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm mẹ, nhiều người khác đang chết dần, chết mòn từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc Da cam/Dioxin. Đặc biệt, hàng trăm ngàn nạn nhân còn phải sống trong cảnh đói nghèo, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều rất éo le, thương tâm, khốn cùng, khó khăn về kinh tế, đau đớn, day dứt về tinh thần, bệnh tật dày vò. Họ vô cùng vất vả khi chăm sóc chồng, con. Nợ nần cứ thế đeo bám hàng ngày, hàng giờ. Chưa bao giờ họ được hạnh phúc theo đúng nghĩ của hai từ này, dù chỉ một giây, một lát".
Theo ông Sỹ, tại các cụm 7, cụm 6, cụm 2 và cụm 3 phường Phúc Xá có nhiều cháu bé nạn nhân chất độc da cam/Dioxin bị ngớ nhẩn, không nhận thức được, nằm một chỗ, không tự chăm sóc được bản thân, không đến dự được buổi lễ hôm nay. Họ phải sống dựa hoàn toàn vào sự yêu thương chăm sóc vô bờ bến của cha mẹ, người thân và khoản trợ cấp ít ỏi hàng tháng 1.634.000 đồng của Nhà nước và sự đùm bọc của bà con khối phố.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin phường Phúc Xá Nguyễn Đình Sỹ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đoàn thể tiếp tục chung tay mở lòng hảo tâm giúp đỡ các nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin, tiếp tục nói lên tiếng nói của lương tri lên án, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, đòi hỏi công lý cho các nạn nhân.
Tại buổi Lễ Kỷ niệm 61 năm Ngày Chất độc da cam, thay mặt Đảng ủy, UBND phường Phúc Xá, Phó Bí thư đảng ủy Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo Hội đã trao nhiều phần quà cho các hội viên Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin phường Phúc Xá.