Kinh tế toàn cầu năm 2021 hồi phục giữa những mối đe dọa

Sau năm 2020 lao đao vì đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, dù lạm phát tăng mạnh, các nút cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài trong nhiều tháng. Tuy nhiên, lạm phát tiếp tục leo thang và biến thể Omicron xuất hiện gần đây đang trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi trong năm tới.

*Tiếp tục đà phục hồi

Trong báo cáo tóm tắt đánh giá của tổ chức này về triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 16/12, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) nhận định, sau khi lao đao trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, các nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.

Mỹ dẫn đầu về tốc độ phục hồi, vượt qua được cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, với tốc độ tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích kinh tế và việc nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay, có thể đạt mức trước đại dịch vào cuối năm.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang gây thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn.   

my141221-1639439522776834249923-1639786885.jpeg
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó. Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. OECD cảnh báo rằng vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn.

Xét theo khu vực, OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế của Eurozone là 5,2%. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ tăng trưởng ở mức 8,1%.

Theo OECD, ưu tiên chính sách hiện nay là phải đảm bảo vaccine được sản xuất và triển khai nhanh nhất có thể trên khắp thế giới, bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường. Xu hướng phục hồi hiện nay mới chỉ tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như các nước không đảm bảo được chính sách này.

*Biến thể Omicron và lạm phát vẫn là mối đe dọa

Về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022, EIU đưa ra hai kịch bản liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo đó, nếu biến thể Omicron được chứng minh là ít nguy hiểm hơn Delta, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ít bị tác động hơn trong năm 2021 và phục hồi nhanh hơn dự báo vào năm 2022. Trong trường hợp ngược lại, đà phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ chậm lại.

Cũng theo báo cáo của EIU, cùng với tác động của biến thể Omicron, lạm phát liên tục leo thang đặt ra nguy cơ đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. EIU cho biết lạm phát đã tăng vọt trong năm 2021 giữa lúc kinh tế toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi dù đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa tăng cao kỷ lục. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cho là sẽ kéo dài ít nhất cho đến giữa năm 2022, khiến giá sản xuất và giá tiêu dùng leo thang. Tuy nhiên, EIU cho rằng lạm phát sẽ đi xuống trong giai đoạn 2022-2025, lãi suất được duy trì ở mức thấp và nợ công nằm trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, EIU dự báo các ngân hàng trung ương lớn sẽ sớm bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo EIU, để kiểm soát lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và nhanh hơn so với dự đoán của các nhà đầu tư. Điều này có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính và các nền kinh tế mới nổi. 

Ngày 16/12, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 gây sức ép lên kinh tế toàn cầu vào năm ngoái. Động thái diễn ra giữa bối cảnh BoE dự báo lạm phát sẽ vọt lên 6% vào tháng Tư, gấp ba lần mục tiêu BoE đề ra.

Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, chỉ số giá tiêu dùng của Anh trong tháng 11/2021 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,2% trong tháng Mười và mức dự báo 4,5% của BoE. Con số này cũng gấp hơn 2,5 lần so với mức mục tiêu 2% của BoE.

Ngày 15/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố rút ngắn lộ trình rút lại các biện pháp kích thích đã triển khai để hỗ trợ nền kinh tế thông qua đại dịch COVID-19 khi lạm phát gia tăng, với dự kiến ba lần tăng lãi suất vào năm 2022.

Fed điều chỉnh chính sách khi lạm phát cao hơn nhiều so với mức dự kiến hồi đầu năm. Lạm phát được đo bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại không tính giá thực phẩm và năng lượng — thước đo tăng trưởng giá ưu tiên của Fed — đã tăng hàng tháng 0,4% trong tháng 10/2021 và 4,1% hàng năm. Chỉ số PCE nói chung đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021 và 5% hàng năm. Fed đặt mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát cơ bản hàng năm ở mức trung bình 2% mỗi năm./.