Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng; trong đó hợp tác xã là nòng cốt, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Theo hướng đó, tỉnh Bình Định đã thực hiện củng cố những tổ hợp tác và hợp tác xã, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác xã với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực địa bàn có điều kiện.
Từ trước năm 2001, toàn tỉnh Bình Định có 288 hợp tác xã; trong đó chỉ có 8 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (chiếm tỉ lệ 0,03%), thì đến cuối năm 2021, Bình Định có 745 tổ hợp tác và 250 hợp tác xã với 278.000 thành viên; trong đó có 95 hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo bộ tiêu chí mới, chiếm tỉ lệ 38%. Tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã trên 3.334 tỷ đồng, tăng hơn 292% so với năm 2001. Doanh thu bình quân khoảng 2,9 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, tăng 126,2% so với năm 2001; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2021 đạt khoảng 52,84 triệu đồng/người, tăng hơn 29 triệu đồng so với năm 2001…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Nguyễn Phi Long cho hay, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và Luật Hợp tác xã năm 2012, tình hình kinh tế tập thể ở tỉnh Bình Định mà nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ đã có những chuyển biến tích cực. Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể ở Bình Định bước đầu đã thoát ra khỏi “tình trạng trì trệ, yếu kém kéo dài”, với nội dung, phương thức hoạt động của các hợp tác xã ngày một đa dạng, thiết thực và có hiệu quả hơn trước, được tổ chức thực hiện theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Tất cả các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đều thực hiện mô hình vừa quản lý, vừa điều hành. Đội ngũ cán bộ quản lý được tổ chức theo hướng tinh gọn “giảm số lượng, tăng chất lượng” và ngày càng trẻ hóa.
Hầu hết, các hợp tác xã tiếp tục duy trì các dịch vụ phục vụ sản xuất của thành viên như: thủy lợi, cung ứng giống, vật tư... Nội dung hoạt động của các hợp tác xã được xác định lại phù hợp với nhu cầu của thành viên, loại bỏ dần những dịch vụ không hiệu quả, chú trọng đầu tư chiều sâu những dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên cũng như kinh tế hợp tác xã. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, tiếp nhận sự hỗ trợ của các chương trình/dự án phát triển các dịch vụ, ngành nghề mới phục vụ nhu cầu sản xuất....
Hiện nay, có khoảng 57 hợp tác xã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Định liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc tự tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; 17 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và 7 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh với 11 sản phẩm được công nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phi Long cũng nhìn nhận, các hợp tác xã vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về mô hình hợp tác xã kiểu mới, vẫn còn rập khuôn, máy móc theo lối tư duy cũ. Số lượng hợp tác xã nhiều nhưng quy mô còn nhỏ bé, nhất là về nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp, cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu. Bên cạnh đó, việc khôi phục các nghề truyền thống ở địa phương, du nhập, mở mang các nghề mới để mở rộng sản xuất nhằm giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho xã viên còn hạn chế.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Bình Định cần tập trung thực hiện một số nội dung tiếp theo. Đó là các cấp ủy Đảng, tổ chức, chính quyền, đoàn thể phải tiếp tục tăng cường đổi mới tuyên truyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể nhằm tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi, ổn định, bình đẳng giữa kinh tế tập thể với các loại hình kinh tế khác; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tỉnh cần kiện toàn và từng bước nâng cao năng lực, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; phân định rõ chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tỉnh tập trung đẩy mạnh việc đổi mới phương thức hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, nâng cao liên doanh, liên kết của hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý và thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh./.