Kinh tế Peru phục hồi ngoạn mục

Ngày 13/2, Ngân hàng Dự trữ Peru (BCRP) cho biết Peru (Pê-ru) đạt thặng dư thương mại 14,752 tỷ USD trong năm 2021 nhờ xuất khẩu tăng vượt mức trước trước đại dịch COVID-19.

Dữ liệu chính thức cho thấy trong năm vừa qua, quốc gia Mỹ Latinh này đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 63,106 tỷ USD, tăng 47,1% so với năm 2020 và 31,5% so với năm 2019.

Theo chuyên gia kinh tế Adrián Armas của BCRP, con số kỷ lục này, tương đương 28,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Peru, đạt được là nhờ giá khoáng sản tăng trên thị trường quốc tế. Ông Armas dự đoán môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi với quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới này.

000239459w-1644804436.jpeg
Ảnh minh hoạ

Chuyên gia kinh tế của BCRP nhận định việc 80% dân số có thể tiêm chủng của Peru đã hoàn thành phác đồ ngừa COVID-19 cũng là một yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, bởi khi phần lớn người dân đã được bảo vệ và tự tin hơn trước dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng cũng theo đó tăng lên.

Nhập khẩu của Peru năm 2021 cũng tăng vọt lên 48,354 tỷ USD, cao hơn 39,3% so với năm 2020 và 17,6% so với năm 2019, chủ yếu do mức tăng chung của tất cả các mặt hàng khi nhu cầu trong nước phục hồi.

Nhà kinh tế Armas cho rằng lạm phát ở Peru sẽ bắt đầu chậm lại từ tháng Bảy tới và sẽ đạt mục tiêu từ 1-3% của BCRP vào quý IV năm nay. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Armas, giới kinh doanh vẫn bi quan trước triển vọng của nền kinh tế, đặc biệt khi Peru đang đối mặt bất ổn chính trị với chính phủ do Tổng thống cánh tả Pedro Castillo hậu thuẫn./.