Ngày 1/4, ông Châu Thanh Long, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, UBND tỉnh đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần xăng dầu KK Oil về hành vi bán xăng có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với số tiền 328.500.000 đồng và Công ty cổ phần xăng dầu KK Oil đã tiến hành nộp phạt ngay sau khi nhận được Quyết định xử phạt về hành vi kể trên.
Trước đó, vào lúc 9h30 ngày 22/2 đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra tại Chi nhánh Công ty cổ phần xăng dầu KK Oil - Cửa hàng xăng dầu số 50, địa chỉ tại số 20, Nguyễn Chí Thanh, Khu phố 6, Phường 3, thành phố Tây Ninh.
Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng mẫu xăng Ron 95-III, số lượng xăng tại thời điểm lấy mẫu là 2.583 lít.
Kết quả kiểm nghiệm số xăng Ron 95-III trên có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Qua làm việc, người đại diện Công ty cổ phần xăng dầu KK Oil đã thừa nhận hành vi vi phạm.
Liên quan đến kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, TS. Nguyễn Hữu Cung, Giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Làm một phép tính đơn giản, mỗi lít xăng dầu lậu nếu không phải chịu các loại thuế phí đã "ăn không" được khoảng 6.000 - 7.000 đồng.
Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20 triệu tấn, trong đó xăng dầu trong nước tự chủ khoảng 60-70%, số còn lại phải nhập khẩu và đây là điều kiện lý tưởng cho một số đối tượng bất chấp quy định, sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm, nhập lậu, pha chế sản phẩm kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính.
Ðiều này gây thất thu cho ngân sách rất lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giám sát doanh nghiệp phân phối, có biện pháp quản lý chất lượng và quản lý thị trường nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, các đơn vị liên quan cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Ðồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm đến mức thấp nhất hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.