Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Đức Chín cho biết, nguyên nhân khiến chậm thực hiện và thanh toán vốn năm 2021 do tác động của dịch COVID-19 kéo dài, cùng với việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh làm chậm tiến độ, gây bất lợi đến hoạt động triển khai các dự án, thực hiện thi công công trình. Biến động về giá vật liệu, nhất là giá thép cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án. Quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Mặt khác, sự chủ quan của một số chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ trong những tháng đầu năm. Nhiều đơn vị chưa xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án công trình để theo dõi, đô đốc, quản lý tiến độ.
Các dự án công trình khởi công mới chậm triển khai các thủ tục đấu thầu xây lắp nên chưa tạm ứng vốn cho nhà đầu tư. Một số dự án chuyển tiếp chưa được quan tâm đẩy nhanh tiến độ, chậm thực hiện lập hồ sơ thanh quyết toán khối lượng hoàn thành.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội đang trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh Kiên Giang tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và giải ngân vốn trong những tháng còn lại cuối năm 2021.
Theo đó, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành tỉnh, các huyện, thành phố và chủ đầu tư khẩn trương rà soát lại các phần việc trong đầu tư công, đề ra giải pháp cụ thể triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ; tăng cường kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn.
Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án gắn với phương án xử lý cụ thể, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.
Mặt khác, tỉnh Kiên Giang điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021. Cụ thể, đối với vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, điều chỉnh tăng, giảm kế hoạch vốn giữa các sở, ngành, địa phương với tổng kế hoạch điều chỉnh hơn 433 tỷ đồng; trong đó, tăng kế hoạch vốn 65 dự án, giảm kế hoạch vốn 13 dự án.
Đối với vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn trong nước, kế hoạch điều chỉnh gần 95 tỷ đồng, gồm: giảm kế hoạch vốn 4 danh mục dự án, tăng 6 danh mục dự án. Vốn nước ngoài, kế hoạch điều chỉnh 5.000 triệu đồng, gồm: giảm kế hoạch vốn 1 danh mục dự án, tăng 1 danh mục dự án.