Kiên Giang dồn sức cho phát triển kinh tế - xã hội

Trong những tháng qua, Kiên Giang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19, khiến nhiều chỉ tiêu 9 tháng của năm 2021 tăng trưởng âm. Xác định nhiệm vụ 3 tháng còn lại rất nặng nề, các cấp, ngành tỉnh Kiên Giang đang thực hiện nhiều giải pháp, quyết tâm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra (đạt mức tăng trưởng đương 1,5% trở lên).
92d4ca943347754de536f3ad7d65a86e-1633347404.jpg
Kiên Giang dồn sức phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, đến nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 nhưng dự báo trong thời gian tới dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành chỉ thị tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế.

Trước mắt, tất cả các cấp, các ngành chủ động rà soát, bổ sung các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, quan tâm không để dịch tái phát.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm vai trò, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm chính trong tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn quản lý.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chỉ đạo tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân thành phố Phú Quốc và triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 trong năm 2021; đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần phải bảo vệ chắc thành quả chống dịch thời gian qua.

Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ tập trung dồn sức cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội”, đảm bảo mục tiêu không để kinh tế tăng trưởng âm trong năm 2021.

Kiên Giang chia ra ba khu vực để tập trung thực hiện. Theo đó, tại khu vực I, hiện nay sản lượng lúa đã đạt ngưỡng, trong chỉ đạo thời gian tới, Kiên Giang cố gắng nâng lên giá trị tăng thêm của lĩnh vực này, đồng thời khúc đẩy các ngành còn dư địa phát triển, phấn đấu đạt cao nhất để bù đắp ở các lĩnh vực còn thiếu hụt, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn).

Theo Bí thu Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, về dư địa khu vực này cần chú ý khai thác tối đa nuôi trồng thủy sản, chủ lực là tôm, cá; tăng cường dự báo tình hình, nhu cầu, sản lượng thu hoạch hàng tháng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ kịp thời để làm cơ sở tính toán và điều hành kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ.

Kiên Giang cũng tăng cường nguồn nhân vật lực để đảm bảo việc thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ đối với thị trường nội địa và xuất khẩu; thu mua, tồn trữ, bảo quản… kịp thời điều tiết khi có diễn biến bất lợi của thị trường.

Tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi mô hình trang trại, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và nhân dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhà lưới ở huyện Châu Thành; chăn nuôi sinh học, đồng thời có biện pháp hỗ trợ để nhân rộng các mô hình cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.

Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu sản lượng lúa từ 4,4 triệu tấn trở lên, lúa chất lượng cao chiếm trên 90%; ổn định chăn nuôi gia súc gia cầm, không để lây lan dịch bệnh; khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 799.000 tấn; trong đó, tôm nuôi đạt 105.467 tấn.

Tỉnh đẩy nhanh, hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đối với khu vực II, tỉnh kết hợp đẩy nhanh tiến độ vận hành và đưa vào sử dụng các các dự án điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt để bù đắp thêm phần giá trị sụt giảm của ngành chế biến, chế tạo.

Tỉnh tiếp tục phát huy các loại sản phẩm công nghiệp có lợi thế về thị trường, như may mặc, giày da... để bù đắp cho các sản phẩm bị sụt giảm (bia, mực đông, cá đông, xi măng).

Kiên Giang cũng đẩy nhanh quyết liệt hơn nữa thúc đẩy tiến độ đầu tư công, thực hiện các giải pháp điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn để đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án cụ thể thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh từ nay đến cuối năm.

Kiên Giang cũng ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, sớm khôi phục các hoạt động kinh doanh sản xuất, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp tái đầu tư vào nền kinh tế, kết hợp các giải pháp kiểm soát dịch bệnh “mở đến đâu, chắc đến đó”, tạo niềm tin vững chắc cho người dân, doanh nghiệp tái đầu tư, mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt dự kiến kế hoạch (trên 20.600 tỷ đồng).

Đối với khu vực III, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh (gạo, giầy da, thủy sản; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 1,97% so cùng kỳ, cả năm 2020 tăng 2,83%).

Kiên Giang cũng khẩn trương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm triển khai thí điểm mô hình “Hộ chiếu vaccine” cho phát triển du lịch Phú Quốc, phấn đấu thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc trong dịp cuối năm 2021.

Trước mắt, Kiên Giang tập trung triển khai kế hoạch tiêm ngừa vaccine cho người dân Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, đảm bảo đạt điều kiện an toàn trong phòng chống dịch và tạo tâm lý an tâm cho người dân tham gia các Tour du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, mở dần lại thị trường du lịch trong tỉnh, trong nước đối với người dân đã tiêm đủ 2 liều vaccine có nhu cầu du lịch và nhân rộng mô hình tiến tới đón khách quốc tế từ các thị trường tiềm năng, trước tình hình chưa xác định được thời gian kết thúc đại dịch COVID-19.

Kiên Giang phấn đấu đạt mục tiêu thu hút tối thiểu 3 triệu lượt khách đến tham quan và du lịch, tạo nguồn thu cho các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn, khôi phục các hoạt động thương mại và dịch vụ.  Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế trong thời kỳ COVID-19…

Mặc dù vậy, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế trong phòng, chống dịch, một số nơi còn diễn biến phức tạp, số ca mắc trong khu phong tỏa còn cao như tại thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, huyện kiên Lương. Bên cạnh đó, tiếp tục có biểu hiện xuất hiện ổ dịch mới ở Khoa B, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương từng lúc thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; còn có biểu hiện chủ quan, lơ là. Sự phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương từng lúc chưa đồng bộ, thiếu kịp thời. Việc quản lý, giám sát các khu phong tỏa, khu cách ly từng lúc chưa chặt chẽ, nên xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa còn chiếm tỷ lệ cao.

Việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp còn rất chậm, đến nay còn 22 kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh chưa hoàn thành.

Trong phát triển kinh tế, một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch và giảm so cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế âm do tác động của các đợt giãn cách xã hội, quý III/20021, kinh tế tăng trưởng âm -10,5%, từ đó kéo theo tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 âm 3,18%, cùng kỳ năm trước đạt mức tăng dương 2,77%. Đây là kỳ 9 tháng đầu tiên kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng âm kể từ nhiều năm trở lại đây.

Lê Sen