Nền kinh tế Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ suy thoái

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen, kinh tế Hòa Kỳ (Mỹ) đang đối mặt nguy cơ suy thoái. Các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát có thể làm chậm đà tăng trưởng. “Nguy cơ” giá khí đốt của Mỹ có thể tăng trở lại vào cuối năm nay khi ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng người Mỹ sẽ lại phải chịu một đợt giá tăng đột biến như từng xảy ra trong mùa Hè này.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) phần lớn sẽ ngừng mua dầu của Nga từ mùa Đông này. Ngoài ra, khối này sẽ cấm cung cấp các dịch vụ cho phép Nga vận chuyển dầu bằng tàu chở dầu, điều này có thể khiến giá dầu thô tăng vọt, bà Yellen cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh: "Chính sách giá trần của chúng tôi được thiết kế để vừa giảm nguồn thu Nga sử dụng cho các hoạt động quân sự tại Ukraine, vừa đảm bảo nguồn cung dầu Nga sẽ giúp kiềm chế sự tăng giá dầu thế giới. Vì thế, tôi tin rằng đây là việc cần thiết. Đó là điều chúng tôi đang cố gắng làm để tránh giá dầu tăng vọt trong tương lai".

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, bà Yellen bày tỏ: “Tất nhiên, đây là một nguy cơ mà chúng tôi đang theo dõi. Nhưng chúng tôi có một thị trường lao động rất mạnh và tôi cho rằng, Mỹ hoàn toàn có thể duy trì ưu thế này”.

Bà Yellen nhấn mạnh bà lạc quan vào nền kinh tế và Mỹ hiện không suy thoái. Để đối phó lạm phát, FED năm nay đã nâng lãi suất 4 lần và có thể tiếp tục quá trình này.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hướng đến mục tiêu “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới - khi giảm dần lạm phát về mức 2% mà không gây suy thoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định: “Tôi tin rằng có cách để đạt được mục tiêu đó. Về lâu dài, không có lý gì mà một thị trường lao động vững mạnh lại không góp phần kiểm soát được lạm phát”.

us-1652684449-9881-1652684452-1663139223.jpg
Người dân Mỹ mua sắm đồ dùng thiết yếu hằng ngày tại một siêu thị. Ảnh minh họa.

Mặc dù, bà Yellen cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được nguy cơ suy thoái, tuy nhiên bà cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong những tháng tới trong bối cảnh xung đột tại Ukraine khiến lạm phát tăng vọt tại nhiều quốc gia trên thế giới và Mỹ không phải ngoại lệ.

Mỹ hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính nước này, lạm phát tại nước Mỹ đã tăng lên mức 8,5% trong tháng 7. Tuy nhiên, con số này vẫn gần với mức đỉnh 40 năm được thiết lập vào tháng 6 ở mức 9,1%.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED cho biết, cơ quan này dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm nhiều lần trong năm nay, đưa lãi suất liên bang lên mức 1,9% vào cuối năm nay.

"Lạm phát đã trở thành nguy cơ rõ ràng và hiện hữu đối với nhiều quốc gia. Nhiều Ngân hàng Trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự gián đoạn do xung đột tại Ukraine sẽ càng làm gia tăng áp lực hơn nữa. Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao, buộc các nhà hoạch định chính sách phải có phản ứng mạnh mẽ hơn", chuyên gia kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas mới đây đã đưa ra nhận định.

Thi Nguyên (t/h)