Tham dự Hội thảo có hơn 300 đại biểu đến từ Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường - Quốc hội, Bộ Khoa học & Công nghệ; các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; sở Y tế, bệnh viện Y học Cổ truyền và khoa Y học Cổ truyền thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; các tổ chức, hội nghề nghiệp lĩnh vực y, dược cổ truyền các tỉnh, thành phố; các trường đại học Y, Dược; viện nghiên cứu; các nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền.
Hội thảo nhằm khẳng định vai trò tham gia tích cực của Y dược cổ truyền trong công tác phòng, điều trị Covid - 19, hậu Covid - 19 trong thời gian qua; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của bài thuốc, phương pháp điều trị mới, qua đó phát huy thế mạnh của y dược cổ truyền, từng bước khẳng định được vị thế của y dược cổ truyền trong việc tham gia phòng chống các dịch, bệnh mới nổi, cấp tính.
Tại Hội thảo, 15 bài bài báo cáo khoa học được trình bày với đa dạng các nội dung: “Y học cổ truyền đóng góp được gì trong phòng chống Covid - 19”; “Bước đầu đánh giá hiệu quả của điện châm trong điều trị chứng đau đầu hậu Covid - 19 tại Bệnh viện Trung ương Huế”; “Hiệu quả điều trị Covid - 19 mức độ nhẹ của bài thuốc Châu Thị Ngân Kiều giải độc”; “Đánh giá hiệu quả của viên nang cứng KOVIR (TD0069) trong phác đồ phối hợp với điều trị nền ở bệnh nhân Covid-19 chưa có biểu hiện suy hô hấp cấp”; “Đánh giá bước đầu hiệu quả hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau rát họng do Covid - 19 của nước súc họng Núc Nác Kim Ngân Hoa”; “Thành phần hóa học, tác dụng sinh học và triển vọng ứng dụng trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid - 19 của thuốc thanh nhiệt giải độc”; “Tiếp cận “Không gian thiết kế” trong tối ưu hóa quy trình chiết xuất andrographolid từ Xuyên tâm liên làm thuốc hỗ trợ phòng và điều trị Covid - 19”; “Ứng dụng học thuyết tam tiêu biện chứng bệnh cảnh Covid - 19 bằng mô hình cây tiềm ẩn”; “Đánh giá hiệu quả điều trị của 4 thuốc thành phẩm cổ truyền Vạn Xuân trên người bệnh Covid -19 giai đoạn sớm mức độ nhẹ tại tỉnh Đồng Nai”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế), nhấn mạnh: “Trong tình hình hiện nay, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y dược cổ truyền nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của y dược cổ truyền. Trong xu thế phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ việc ứng dụng các thành tựu trên vào công tác nghiên cứu y dược cổ truyền đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng và đem lại nhiều thành tựu mới cho nền y dược cổ truyền Việt Nam góp phần cùng với nền Y học hiện đại tạo dụng nền y học tiến tiến, xứng tầm khu vực và trên thế giới”.
Hội thảo khoa học Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ II đã thực sự tạo môi trường để các nhà khoa học lĩnh vực y dược cổ truyền chia sẻ, trao đổi học thuật, kinh nghiệm về ứng dụng y dược cổ truyền trong phòng, điều trị Covid - 19 và hậu Covid - 19; giới thiệu, tạo cầu nối giữa các nhà khoa học với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc ứng dụng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm y dược cổ truyền chất lượng cao, có giá trị thực tiễn.
Hội thảo cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y dược cổ truyền, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.