Khẩn trương khống chế, xử lý các ổ dịch trên đàn gia súc

Tại Bình Phước: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước cho biết, trong một tuần qua trên địa bàn tiếp tục ghi nhận nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò.
heo-1610684597747675932869-0-148-576-1012-crop-16106846101931620341222-1636110076.jpg
Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ra nhiều tỉnh thành như Bình Phước hay Ninh Thuận

Theo đó, tuần qua, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại các huyện Đồng Phú, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Lộc Ninh và thị xã Bình Long với số lợn chết và tiêu hủy 265 con.
Cũng thời gian này, bệnh viêm da nổi cục trên bò tiếp tục xuất hiện các ổ dịch mới tại huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và thị xã Bình Long với số bò mắc bệnh là 13 con, số bò chết và tiêu hủy là 9 con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc gia cầm trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền vừa có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung các nguồn lực, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi…
Các địa phương tập trung thực hiện tháng tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt các mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Các xã, phường, thị trấn đang xảy ra bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi cần nhanh chóng khống chế, xử lý dứt điểm các ổ dịch; tăng cường giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận cơ sở, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.
Thành lập và chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; đối với các huyện biên giới tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Thống kê cho thấy, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bình Phước có gần 1,2 triệu con, mỗi tháng xuất chuồng 125.000 con. Đàn bò có khoảng 39.000 con, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 9.500 con.

*Tại Bình Thuận: Sau một thời gian dài được khống chế, kiểm soát, mới đây, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện trở lại ở Bình Thuận. Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương thực hiện các biện pháp sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.
Ổ dịch đầu tiên được ghi nhận là tại thôn An Bình, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Tính đến ngày 1/11, số lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ngày càng tăng, đã có 149 con bị mắc bệnh và tiêu hủy.
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch này, Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Tân đã có quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Sông Phan và chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi cách ly số lợn bệnh, tiêu hủy số lợn chết có sự giám sát của chính quyền địa phương, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại; cam kết không được vận chuyển, mua bán lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường...
Ngoài ra, chính quyển địa phương cũng thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch, thành lập chốt kiểm dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, hướng dẫn việc đi lại vận chuyển gia súc, gia cầm…
Để khống chế, tiến tới dập nhanh, gọn ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn tại thôn An Bình, xã Sông Phan tránh để mầm bệnh lây lan sang các địa phương khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND huyện Hàm Tân chỉ đạo các phòng ban liên quan theo dõi chặt diễn biến ổ dịch tả lợn châu Phi; tăng cường giám sát, phát hiện sớm.
Đồng thời, tập trung nguồn lực xử lý triệt để, dập nhanh và khống chế hoàn toàn ổ dịch. Bên cạnh đó, địa phương tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo quy định tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và thường xuyên theo dõi hố tiêu hủy để kịp thời xử lý theo quy định.
Các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường thông tin tuyên truyền về các nguyên nhân lây lan và biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn người chăn nuôi lợn thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại; khuyến cáo người dân không nên sử dụng thức ăn thừa để làm thức ăn cho lợn.
Sở yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung phối hợp với huyện Hàm Tân khẩn trương triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 từ ngày 25/10 đến 25/11 đồng thời kiểm tra, kiểm soát và hỗ trợ huyện Hàm Tân trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương trên địa bàn huyện.