Cởi mở đón nhận trải nghiệp - Đối lập với bảo thủ
Người có mức độ cởi mở cao với trải nghiệm dễ bị thu hút bởi những chuyến phiêu lưu mới và sốt sắng khám phá nhiều phương pháp khác nhau. Những người có mức độ cởi mở thấp hơn thì thích những cách thức đã được chứng minh là hiệu quả, và khác với những người bạn cởi mở hơn của mình, họ vô cùng thoải mái khi nói “cách này đã được kiểm chứng”. Những người thuộc nhóm cởi mở thường “nổi da gà” khi nghe một bản nhạc hoặc tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật khiến họ rung động.
Tận tâm - Đối lập với hời hợt
Những cá nhân có mức độ tận tâm cao thường là những người đặc biệt phù hợp với các định nghĩa truyền thống về thành công. Họ thường đạt thành tích cao hơn trên con đường học vấn cũng như sự nghiệp so với những người có mức độ tận tâm thấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý là đa số những thành công của người tận tâm sẽ xuất hiện trong các hoạt động hoặc công việc đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề thông thường, trong khi người có tính cởi mở cao có thể xuất sắc trong các lĩnh vực cần đến những giải pháp sáng tạo.
Người có mức độ tận tâm cao rất đúng giờ và kiên trì, họ có thể tập trung cao độ vào những hoạt động trước mắt. Tuy nhiên, kiểu tập trung chuyên biệt này có thể chỉ hiệu quả trong một vài lĩnh vực nhất định. Người có chỉ số tận tâm cao cũng nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành các vai trò trong công việc cũng như trong gia đình, nhờ đó lại tăng thêm mức độ tận tâm.
Hướng ngoại - Đối lập với hướng nội
Người hướng ngoại cực kỳ nhạy với những phần thưởng tiềm năng trong môi trường hoạt động của mình. Sở thích âm nhạc của người hướng ngoại thiên về kiểu âm thanh ồn ào, rộn ràng và tràn đầy năng lượng. Một phần vì nhu cầu được kích thích và cũng bởi sự tập trung vào phần thưởng hơn là hình phạt, người hướng ngoại có khuynh hướng “va chạm” với những nhân vật hoặc cơ quan có thẩm quyền nhiều hơn, chẳng hạn như họ thường bị cảnh sát giao thông thổi phạt hoặc từng nhiều lần bị cha mẹ, thầy cô phạt cấm túc khi còn nhỏ.
Một trong những tình huống kích thích nhất đối với người hướng ngoại là giao tiếp xã hội và họ rất hào hứng tham gia vào những sự kiện đó. Nói cách khác, người hướng ngoại có khuynh hướng ưu tiên số lượng hơn chất lượng, còn người hướng nội thì ngược lại.
Dễ chịu - Đối lập với khó chịu
Những cá nhân có thang điểm dễ chịu cao thường phát huy đặc biệt hiệu quả năng lực của mình khi làm việc trong các nhóm, nơi họ có thể được tin tưởng giao nhiệm vụ xóa bỏ mâu thuẫn và xây dựng mối quan hệ hợp tác. So với người có thang điểm dễ chịu thấp hơn thì họ rất tin người và do đó thường bị người khác coi là ngây thơ.
Người thuộc nhóm dễ chịu có khuynh hướng xuất sắc trong các hoạt động hướng về con người, tức là những lĩnh vực đòi hỏi lòng cảm thông, tinh thần vị tha cũng như các cách tương tác thể hiện được lòng nhiệt thành và giàu tính biểu cảm. Nhóm này cũng chú ý đến những tín hiệu đến từ biểu cảm của người khác và điều này góp phần làm tăng khả năng đồng cảm của họ.
Nhạy cảm thái quá - Đối lập với ổn định
Những người có thần kinh quá nhạy cảm giống như những chú chim hoàng yến từng được giới thợ mỏ dùng để thăm dò khí độc trong các hầm mỏ thời xưa. Nhóm này có thể phát hiện những thứ mà người ít nhạy cảm hơn không hề nhận ra, chẳng hạn như những thay đổi trong môi trường sống, sự xáo trộn trong thói quen sinh hoạt hàng ngày và các mối nguy hiểm khó lường trước.
Vậy ý nghĩa nào ẩn sau việc chúng ta biết mình thuộc nhóm tính cách nào?
Đã có bằng chứng cho thấy mỗi đặc điểm trong 5 nhóm tính cách lớn đều có cơ sở di truyền học. Những đặc điểm cơ bản này tạo thành bản tính sinh học. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bản tính sinh học này cùng với cuộc chơi may rủi của các loại gen di truyền là những yếu tố duy nhất quyết định hướng đi của ta trong cuộc đời.