Khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Với những giá trị về sinh thái, văn hóa giúp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sở hữu “kho báu” về tài nguyên để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch vẫn chưa được nhiều.
thac-ban-doc-1696234124.jpg
Thác Bản Giốc, một trong số những thác nước có vẻ đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du lịch. Ảnh minh họa

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đồng thời đây cũng là vùng hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc. Đặc biệt, rất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Trao đổi sâu hơn về vấn đề này, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, những giá trị về sinh thái, văn hóa giúp vùng sở hữu “kho báu” về tài nguyên để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch phát triển du lịch ngành xác định có 16 điểm tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia như Đồng Văn, Sa Pa, Mộc Châu, Hồ Núi Cốc… những điểm này sẽ trở thành cực hút để hút khách du lịch nhờ những tài nguyên đặc sắc.

Đồng thời, xu hướng kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết tạo hệ sinh thái du lịch liên tỉnh, liên vùng. Những cơ hội này tạo động lực cho vùng trung du và miền núi Bắc bộ phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Siêu cho rằng, việc khai thác những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch vẫn chưa được nhiều. Đặc biệt, vẫn còn những điểm nghẽn còn tồn tại như liên kết trong xúc tiến quảng bá, marketing còn yếu, nguồn nhân lực hạn chế, kết nối thị trường để mở rộng lượng khách vẫn còn lỏng lẻo…

Do đó, ông Siêu cho rằng, để phát triển hơn nữa tiềm năng du lịch vùng cần có những chương trình dự án trọng điểm chung của vùng để phát triển thương hiệu du lịch vùng.

Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp, ông Siêu lưu ý cần đầu tư vào du lịch hướng tới phát triển xanh, hướng vào các sản phẩm xanh. Phát triển các kênh đầu tư vào các hệ sinh thái, nền tảng số để kết nối các dịch vụ của các tỉnh trong vùng, từ đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch kết nối với nhau. Đầu tư vào công nghệ phát triển các ứng dụng chuyên về du lịch… góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các tỉnh trong vùng.

Đông Nghi