Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức, các chi tiêu kinh doanh quan trọng của Nam A Bank tăng trưởng ấn tượng, cũng chính là điểm sáng nổi bật trong báo cáo tài chính quý I/2024. Là tiền đề quan trọng, vững chắc để Nam A Bank hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, tiếp tục hướng đến phát triển bền vững.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của Nam A Bank cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 236,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,98% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 25% kế hoạch năm 2024. Kết quả kinh doanh tăng nhờ vào thu nhập lãi tăng, ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng do đã xử lý dứt điểm nợ trên VAMC.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên quý I, Nam A Bank ghi nhận kết quả lợi nhuận đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 163 tỷ đồng, tương ứng tăng 10,48% so với cùng kỳ năm 2023. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 78,9 tỷ đồng, tăng 60,83% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô hơn 216 nghìn tỷ đồng, tăng 6.275 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 93% kế hoạch năm. Huy động vốn đạt 167,2 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 146,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,05% và 3,76% so với thời điểm đầu năm.
Về nợ xấu, ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nợ nhóm 2 giảm sâu, trong khi các nhóm khác tăng nhẹ
Ngoài ra, Nam A Bank hiện tại đã hoàn tất xử lý dư nợ với VAMC trong năm 2023, với số dư nợ là hơn 1.744 tỷ đồng. Việc này tiếp tục tạo động lực tăng trưởng, đồng thời giảm được áp lực trích lập dự phòng đáng kể trong quý I/2024 so với cùng kỳ.
Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 112 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong quý I/2024, Nam A Bank chính thức chuyển sang giao dịch tại HOSE.
Song song đó, trong tháng 2/2024, ngân hàng cũng đã được Moody’s nâng bậc đánh giá tín nhiệm nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng. Cụ thể, Moody’s đã nâng bậc xếp hạng chất lượng tài sản từ B3 lên B2, nâng bậc xếp hạng về lợi nhuận và các chỉ số về khả năng sinh lời từ B2 lên B1.
Về phát triển mạng lưới, tính đến nay Nam A Bank hiện đang sở hữu gần 250 điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó có gần 150 điểm kinh doanh truyền thống (chi nhánh, phòng giao dịch) và 100 điểm ONEBANK. Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Nam A Bank thành lập thêm 5 chi nhánh, 3 phòng giao dịch. Đồng thời, cũng trong năm nay Nam A Bank dự kiến sẽ mở mới thêm 30 điểm ONEBANK.
Đạt được kết quả trên, Nam A Bank đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động triển khai nhiều kế hoạch quan trọng nhằm phát huy thế mạnh và đảm bảo các mục tiêu kinh doanh tăng trưởng tốt. Các yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng phát huy hiệu quả. Trong đó, chiến lược “số hóa” và “xanh hóa” tiếp tục là chiến lược mũi nhọn được đẩy mạnh trong mọi hoạt động của Nam A Bank.
Theo đó, xanh hóa tài chính là một trong những hoạt động trọng tâm mà ngân hàng đã đang và sẽ tiếp tục triển khai. Tiên phong trong “số hóa” đã góp phần không nhỏ giúp Nam A Bank và khách hàng giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường.
Ngân hàng này liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, định hướng tập trung phát triển các lĩnh vực xe ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong chính sách cho vay tổng thể của Nam A Bank, không chỉ áp dụng hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS) trong danh mục cho vay tín dụng xanh mà mục tiêu còn hướng đến hoạt động thân thiện và trách nhiệm với môi trường.
Nỗ lực hiện thực hóa mô hình tăng trưởng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, trung hòa carbon không chỉ cho các sản phẩm dịch vụ mà còn là hoạt động nội bộ chính là chiến lược trọng tâm của nhiều ngân hàng hướng đến nhằm phát triển bền vững và an toàn. Nam A Bank đã triển khai thí điểm Dự thảo Sách trắng về mục tiêu trung hòa Carbon tại các đơn vị kinh doanh.
Nam A Bank sẽ tiếp tục với chiến lược phát triển và làm giàu Big Data; xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái dài hạn, khai thác chuyên sâu các đối tác liên kết tiềm năng. Ưu tiên vốn cho tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả, tập trung khách hàng nhỏ lẻ, các lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, thực hiện giải pháp kéo giảm nợ quá hạn, tăng cường các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm cải thiện các chỉ số hiệu quả và an toàn trong hoạt động./.