Kết thúc quý III/2023, Công ty Cổ phần Nông Nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) hoàn thành 17% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm là giá bán thịt lợn hơi duy trì ở mức nền thấp hơn so với cùng kỳ 2022.
Tại quý III/2023, Nông nghiệp BAF ghi nhận 1.219 tỷ đồng doanh thu, giảm 701 tỷ đồng, tương ứng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm 37% xuống 1.076 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận gộp BAF đạt 143 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng mạnh 89%, đạt hơn 44 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí lãi vay tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 26 tỷ đồng và chi phí bán hàng ghi nhận đi ngang ở mức 24 tỷ đồng.
Khấu trừ giá vốn và các chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 40 tỷ đồng, giảm 140 tỷ so với cùng kỳ kinh doanh năm 2022. Tổng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 39 tỷ đồng, tương ứng giảm 75% so với thời điểm tháng 9/2023.
Lũy kế 9 tháng kinh doanh, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận đạt 3.625 tỷ đồng, tương ứng giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Nông sản đang là danh mục đem về nguồn thu chủ yếu với 2.679 tỷ đồng, tỷ trọng doanh thu chiếm 74%. Tỷ trọng lớn thứ 2 là mảng chăn nuôi với 928 tỷ đồng, giảm 3% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Kết thúc tháng 9/2023, chi phí tài chính đang giảm còn 109 tỷ đồng, tỷ trọng lớn nhất trong danh mục này đang là chi phí lãi vay, chiếm 99%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lũy kế có phần giảm nhưng chưa đáng kể.
Như vậy, BAF mang về 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, tương ứng giảm 83% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lũy kế đạt 50 tỷ đồng, giảm 235 tỷ so với kỳ kinh doanh 2022.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 7.526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4,5% so với năm 2022. Với diễn biến kinh doanh trên, Nông nghiệp mới thực hiện được 48% kế hoạch doanh thu và 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Lý giải cho kết quả sau 3 quý, BAF cho biết giá bán thịt lợn hơi từ đầu năm duy trì ở nền thấp hơn so với năm 2022. Sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn và các trang trại mới được đưa vào hoạt động trong năm nay. Do đó, doanh nghiệp đã giữ lại được lượng heo cai sữa để nuôi bán thịt thay vì phải bán heo cai sữa như trước đây.
Ngoài ra, BAF đã cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín, đúng theo chiến lược đề ra năm 2023.
Diễn giải quy mô tài chính, tổng tài sản của BAF đạt 6.729 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối quý II, tăng 42% so với đầu năm do các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh.
Danh mục nguồn vốn, tổng vay nợ doanh nghiệp chăn nuôi đạt 1.777 tỷ đồng, trong đó 600 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu và số còn lại là vay ngân hàng. Ngày 16/3, BAF đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Trái phiếu có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 5,25%/năm.
Kết thúc 3 quý 2023, BAF đi vay thêm 1.439 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 474 tỷ đồng. Số tiền lãi mà công ty phải trả trong ba quý lên tới 109 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, thành lập từ năm 2017, Công ty CP Nông Nghiệp BaF Việt Nam xây dựng và ngày càng hoàn thiện mô hình khép kín 3F (Feed – Farm – Food) để kiểm soát toàn diện từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất và chế biến thịt cho đến hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng.
Sau màn ra mắt ấn tượng với thương hiệu "heo ăn chuối" của bầu Đức, tháng 10/2022, Nông nghiệp BaF Việt Nam của đại gia Trương Sỹ Bá cũng vào cuộc chạy đua thực phẩm sạch, công bố thương hiệu "heo ăn chay - BaF Meat".
Theo BaF, heo ăn chay là heo chỉ ăn thức ăn được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật do chính công ty này nghiên cứu, sản xuất. Dinh dưỡng từ nguồn cám chay đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi trong mọi giai đoạn sinh trưởng, phát triển.