Doanh nghiệp “heo ăn chay” BaF của ông Trương Sỹ Bá muốn phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu

Mới đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) đã công bố thông tin về phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022 với giá trị lên đến 600 tỷ đồng.

Theo công văn số 56 của BaF gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh thì mục đích phát hành trái phiếu của công ty là góp vốn đầu tư vào các công ty con nhằm thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất  - kinh doanh heo.

Theo đó, đây là loại hình trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, phát hành tại thị trường trong nước.

bf-1668068653.jpg
Ông Trương Sỹ Bá chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam. (Nguồn ảnh: fili.vn)

Đối tượng chào bán là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – thành viên Ngân hàng Thế giới (WB), nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đúng theo quy định của pháp luật. 

Mệnh giá trái phiếu 1 tỷ đồng/trái phiếu, với khối lượng dự kiến là 600 trái phiếu, có kỳ hạn 7 năm kể từ ngày phát hành. Với lãi suất cố định là 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, người sở hữu trái phiếu sẽ nhận khoản lãi suất bổ sung thêm 5,25%/năm cho mỗi kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.

Tiền lãi trái phiếu của mỗi kỳ tính lãi sẽ được thanh toán sau định kỳ 6 tháng một lần. Đồng thời, ngày trả lãi sẽ được cổ định hàng năm trong suốt kỳ hạn của trái phiếu theo thỏa thuận của Tổ chức phát hành với IFC, và sẽ được ghi nhận cụ thể tại Hợp đồng mua bán trái phiếu.

Khoản gốc sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn hoặc ngày mua lại trước hạn hoặc một ngày khác theo quy định cụ thể trong các điều khoản và điều kiện của trái phiếu và các tài liệu giao dịch khác liên quan đến trái phiếu.

12-1668068365.PNG
Kế hoạch sử dụng 600 tỷ trái phiếu của BaF. (Nguồn: BaF.vn)

BaF cho biết số tiền huy động, công ty dự kiến dùng 280 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty Cổ phần Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; 110 tỷ đồng sẽ góp vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2 từ 20 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng; và góp lần lượt 70 tỷ đồng vào 3 Công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh.

Trước đó ít hôm, BaF bất ngờ “quay xe”, tạm dừng kế hoạch phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu. Lý do đưa ra là Hội đồng quản trị Công ty tiến hành điều chỉnh lại phương án cho phù hợp và nộp lại hồ sơ theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022. Lợi nhuận sau thuế quý 3 của BaF là 158 tỉ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với quý 3/2021. Như vậy, mỗi ngày BaF lãi 1,75 tỉ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BAF đạt 4.890 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế đạt 286 tỉ đồng, tăng 17%. So với kế hoạch, BaF đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 71,1% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

Giải trình về kết quả trên, doanh nghiệp này này cho biết 9 tháng qua, sản lượng và doanh thu tăng do cơ cấu đàn dần ổn định, các trại mới đã đi vào vận hành. Cùng với đó, giá heo hơi trung bình quý 3 tăng 21% so với năm trước, tác động làm chỉ số kinh doanh tăng.

Cuối tháng 10/2022, công ty chính thức công bố thương hiệu "heo ăn chay" BaF Meat. Công thức cám chay của BaF loại bỏ hoàn toàn thành phần chứa gốc đạm động vật và chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ, không bán thương mại ra thị trường.

Khánh Ngân